Để đáp ứng yêu cầu của cách mạng trong giai đoạn mới phục vụ công tác tiếp quản và quản lý vùng mới giải phóng, ngày 10/10/1950, Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) ban hành Nghị định số 438-NV về “Tổ chức Ban Công an xã”; Nghị định nêu rõ: “Thành lập tại mỗi xã trong toàn quốc một Ban Công an, được gọi là Ban Công an xã, nằm trong tổ chức Việt Nam Công an vụ, đặt dưới quyền điều khiển trực tiếp của Ủy ban kháng chiến kiêm hành chính xã, dưới quyền điều khiển chuyên môn của Ty Công an tỉnh, Quận Công an huyện nếu có ủy quyền của Ty Công an tỉnh”. Nghị định số 438 là văn bản pháp luật đầu tiên quy định cụ thể, toàn diện, đầy đủ tên gọi, tổ chức, nhiệm vụ, chế độ, chính sách cho Công an xã trong toàn quốc. Kể từ đó, ngày 10/10 hàng năm được lấy làm ngày truyền thống của lực lượng Công an xã.
Theo đó, Công an xã tại quê hương Bình Thuận cũng được ra đời và trưởng thành qua từng giai đoạn lịch sử của cách mạng Việt Nam, đã có những đóng góp đáng kể trong sự nghiệp đấu tranh thống nhất Tổ quốc, và xây dựng quê hương Bình Thuận ngày càng lớn mạnh. Trong cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, lực lượng Công an xã tại Bình Thuận cũng được hình thành, ban đầu với những tên gọi khác nhau như: “Đội vũ trang khẩn trương”, “thanh niên bảo vệ buôn rẫy”, “Ban an ninh bảo vệ”, … sau đó thành lập và lấy tên gọi là “Ban an ninh”, có nhiệm vụ triển khai thực hiện công tác nắm tình hình; thẩm tra xác minh đối tượng khả nghi; ngăn chặn các vụ phá hoại của địch và bảo vệ căn cứ kháng chiến.
Trong quá trình xây dựng và trưởng thành cùng với cả nước, lực lượng Công an xã của tỉnh nhà cũng được từng bước củng cố và trưởng thành. Thực hiện tốt hơn công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương, nòng cốt trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở.
Sau khi có Pháp lệnh Công an xã của Chính phủ; Thông tư hướng dẫn số 15/2010/TT-BCA ngày 24/5/2010, của Bộ trưởng Bộ Công an, lãnh đạo Công an tỉnh đã báo cáo với Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, đề nghị Bộ trưởng Bộ Công an công nhận 35 xã thuộc tỉnh, là xã trọng điểm, phức tạp về an ninh trật tự (chiếm tỷ lệ 36% tổng số xã). Đồng thời có kế hoạch bố trí sỹ quan, hạ sỹ quan Công an nhân dân để đảm nhiệm các chức danh Công an xã trọng điểm, phức tạp về an ninh trật tự, trong toàn tỉnh. Đến nay, đã điều động 45 cán bộ, chiến sỹ các chức danh Công an xã ở 27/35 xã trọng điểm, phức tạp về ANTT (chiếm tỷ lệ 77%); có 6/10 Công an huyện, thị xã, thành phố bố trí hết Công an chính quy đảm nhiệm các chức danh Công an xã. Việc đưa Công an chính quy đảm nhiệm chức danh Trưởng, Phó trưởng Công an xã, Công an viên đã khắc phục được những tồn tại, yếu kém của việc bố trí Công an xã bán chuyên trách trước đây .
Thực hiện nội dung đề án đã được UBND tỉnh phê duyệt “Nâng cao hiệu quả công tác đảm bảo ANTT của lực lượng Công an xã trên địa bàn tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2013 – 2020”; với lộ trình “ Xây dựng lực lượng Công an xã đảm bảo tổ chức tinh gọn, hợp lý, đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng, trong sạch vững mạnh đáp ứng yêu cầu tình hình mới trong công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội ở địa bàn nông thôn trong giai đoạn cách mạng hiện nay và cho những năm tiếp theo. Trung tâm huấn luyện và bồi dưỡng nghiệp vụ Công an tỉnh Bình Thuận ra đời, bước đầu đáp ứng được nhiệm vụ huấn luyện và bồi dưỡng nghiệp vụ cho lực lượng công an xã trong toàn tỉnh. Đến nay, Trung tâm huấn luyện và bồi dưỡng nghiệp vụ của Công an tỉnh đã mở 9 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho các chức danh Trưởng, Phó trưởng Công an xã trong toàn tỉnh; mở 3 khóa đào tạo Trung cấp Công an xã cho 256 học viên. Bước đầu đáp ứng được yêu cầu đảm bảo công tác an ninh trật tự, an toàn xã hội ở cơ sở.
Nhân Hội nghị Tổng kết 7 năm công tác Công an thực hiện Pháp lệnh Công an xã (2008 – 2015); Kế hoạch số 2225/KH-CAT-PV28 ngày 28/8/2015, của Công an tỉnh về gặp mặt, tuyên dương điển hình nhân kỷ niệm 65 năm Ngày thành lập lực lượng Công an xã (10/10/1950 – 10/10/2015). Thừa ủy quyền của Bộ trưởng Bộ Công an, Chủ tịch UBND tỉnh, đồng chí Giám đốc Công an tỉnh đã trao Bằng khen của Bộ Công an cho 2 tập thể và 2 cá nhân; trao Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho 3 tập thể và 4 cá nhân. Đồng chí Phó Giám đốc Công an tỉnh trao Giấy khen của Giám đốc Công an tỉnh Bình Thuận cho 10 tập thể và 23 cá nhân, có thành tích xuất sắc qua 7 năm công tác Công an thực hiện Pháp lệnh Công an xã. Giám đốc Công an tỉnh Quyết định hỗ trợ 1 triệu đồng/người cho 10 cán bộ, chức sắc là người có uy tín trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Đặc biệt tại Hội nghị này, thừa ủy quyền của Bộ Công an, đồng chí Giám đốc Công an tỉnh đã công bố Quyết đinh của Bộ Công an, hỗ trợ 10 triệu đồng (trích từ Quỹ nghĩa tình đồng đội Công an nhân dân) cho gia đình đồng chí Nguyễn Như Phước, Công an viên thường trực xã Đức Chính, huyện Đức Linh, đã từ trần.
Trải qua 65 năm xây dựng và trưởng thành của lực lượng Công an xã toàn quốc nói chung, Công an xã trong toàn tỉnh nói riêng luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm chăm lo xây dựng, phát triển, từng bước khẳng định vị trí, vai trò của mình, có đóng góp tích cực vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc trước đây, cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay. Để tiếp tục phát huy những thành quả đã đạt được qua 65 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành; trong thời gian đến lực lượng Công an xã cần quán triệt, thực hiện nghiêm chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; làm tốt công tác dân vận, thực hiện tốt chức năng tham mưu; ra sức học tập và thực hiện 6 điều Bác dạy Công an nhân dân; gắn với thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương và đạo đức Hồ Chí Minh – Công an nhân dân vì nước quên thân, vì dân phục vụ”… Góp phần Xây dựng lực lượng Công an xã tỉnh nhà đảm bảo tổ chức tinh gọn, hợp lý, đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng, trong sạch vững mạnh đáp ứng yêu cầu đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội ở địa bàn nông thôn trong giai đoạn cách mạng hiện nay và cho những năm tiếp theo./.