Công tác tham gia góp ý xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thực hiện các quy định pháp luật hình sự, dân sự, tố tụng tư pháp được Đoàn đại biểu quốc hội tỉnh tích cực triển khai thực hiện. Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật tại một số địa bàn phức tạp về an ninh trật tự và tệ nạn xã hội được các cấp, các ngành, các cơ quan tư pháp thực hiện thường xuyên (nhất là các tội phạm tín dụng đen, cho vay lãi nặng, đòi nợ thuê có tính chất côn đồ, tội phạm ma túy, đánh bắt hải sản vi phạm lãnh hải nước ngoài). Công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn nghiệp vụ được các ngành tư pháp quan tâm hơn trước, đã cử nhiều cán bộ có chức danh tư pháp tham gia bồi dưỡng các lớp chuyên sâu nghiệp vụ, lý luận chính trị, quản lý nhà nước; kịp thời điều động, bổ nhiệm mới, bổ nhiệm lại các chức danh tư pháp đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ đặt ra. Sự phối hợp giữa các cơ quan tư pháp cấp tỉnh, cấp huyện với cấp ủy địa phương ngày càng chặt chẽ; Viện kiểm sát nhân dân và Tòa án nhân dân tỉnh thường xuyên duy trì chế độ giao ban định kỳ hàng quý để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc xử lý án; phối hợp triển khai thực hiện công tác biệt phái thẩm phán Trung cấp thuộc các Tòa án nhân dân cấp huyện để xét xử một số vụ án thuộc thẩm quyền TAND tỉnh. Công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án hình sự đảm bảo đúng pháp luật; chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên tòa cơ bản được nâng lên. UBND tỉnh đã quan tâm chỉ đạo thực hiện rà soát, kiện toàn đội ngũ giám định viên tư pháp. Ban Thường vụ các huyện, thị, thành ủy, ngành, đơn vị liên quan đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020...
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được công tác cải cách tư pháp vẫn còn một số tồn tại, hạn chế đáng quan tâm như: Tỷ lệ kết thúc án điều tra giảm so với cùng kỳ tỷ lệ xét xử án còn thấp; một số vụ án dân sự, hành chính, kinh doanh thương mại còn kéo dài; công tác quản lý tội phạm tại các trại tạm giam, nhà tạm giữ còn hạn chế, thiếu sót (có trường hợp để bị can trốn khỏi nơi giam giữ); công tác phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ cưỡng chế thi hành án dân sự có lúc chưa đảm bảo kịp thời, chặt chẽ; tình trạng vi phạm, thiếu sót của Chấp hành viên trong thực hiện trình tự, thủ tục thi hành án vẫn chậm được khắc phục; hoạt động các Văn phòng công chứng tư nhân, Trung tâm đấu giá tư nhân còn có vi phạm; mối quan hệ phối hợp giữa các sở, ban, ngành có chức năng giám định tư pháp với các cơ quan tiến hành tố tụng có lúc, có việc còn mang tính hình thức, chưa đi vào thực chất...
Để làm tốt công tác cải cách tư pháp trong quý IV/2019, các cấp, các ngành, các cơ quan tư pháp cần tập trung thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm, như sau: Tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nhất là các quy định, văn bản luật mới được ban hành; các cơ quan tố tụng tỉnh tiếp tục thực hiện tốt công tác luân chuyển, điều động, tăng cường cán bộ có chức danh tư pháp ở các lĩnh vực phức tạp, địa bàn trọng điểm; tiếp tục duy trì và tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa các cơ quan tư pháp cùng cấp trong công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo, khởi tố điều tra, truy tố xét xử và thi hành án hình sự, đặc biệt là đối các vụ án điểm, có tính chất phức tạp, nghiêm trọng; ngành Tòa án tiếp tục thực hiện tốt chủ trương biệt phái thẩm phán trung cấp. UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành liên quan tăng cường kiểm tra các hoạt động công chứng, chứng thực trên địa bàn, kịp thời phát hiện chấn chỉnh xử lý nghiêm vi phạm trên lĩnh vực đất đai và các tổ chức hoạt động đấu giá tư nhân. Thường trực HĐND, Ban Pháp chế HĐND tỉnh tiếp tục giám sát thực hiện Nghị quyết số 71/NQ-HĐND ngày 07/12/2018 của HĐND tỉnh; giám sát công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, các vụ việc tồn đọng, phức tạp liên quan đến hoạt động tư pháp; triển khai thực hiện kế hoạch khảo sát việc chấp hành pháp luật trong công tác tạm giam, tạm giữ tại Công an huyện Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Hàm Tân và thị xã La Gi...