Điều 1. Chức năng
Tham mưu giúp lãnh đạo Ban Nội chính Tỉnh ủy tổng hợp báo cáo định kỳ, chuyên đề, đột xuất về công tác nội chính, cải cách tư pháp và phòng, chống tham nhũng; công tác thi đua - khen thưởng, công tác tổ chức, cán bộ; tổ chức tiếp công dân; tiếp nhận và xử lý, theo dõi đơn thư phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo.
Điều 2. Nhiệm vụ cụ thể
1- Tham mưu lãnh đạo Ban xây dựng, triển khai kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện lịch làm việc, chương trình, kế hoạch công tác hàng tháng, quý, 6 tháng và 01 năm.
2- Phối hợp các phòng thuộc Ban xây dựng các chương trình, kế hoạch công tác, văn bản hướng dẫn, chỉ đạo về công tác nội chính, cải cách tư pháp và phòng, chống tham nhũng.
3- Thẩm định các chương trình, kế hoạch công tác, văn bản hướng dẫn, chỉ đạo về công tác nội chính, cải cách tư pháp và phòng, chống tham nhũng do các phòng chuyên môn của Ban soạn thảo trình lãnh đạo Ban.
4- Phục vụ và tham gia phối hợp thực hiện một số nhiệm vụ có liên quan đến công tác nội chính, cải cách tư pháp và phòng, chống tham nhũng.
5- Tham mưu giúp lãnh đạo Ban tham gia với các cơ quan có thẩm quyền trong việc bổ nhiệm một số chức danh tư pháp và công tác cán bộ theo phân cấp.
6- Tham mưu lãnh đạo Ban phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức tiếp công dân, nhận và xử lý đơn, thư khiếu nại, tố cáo gửi đến Tỉnh ủy; theo dõi, đôn đốc việc xử lý, giải quyết những đơn, thư có nội dung quan trọng được Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy giao theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
7- Theo dõi, đôn đốc, tổng hợp và tham mưu lãnh đạo Ban báo cáo kết quả công tác giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo; phối hợp các phòng chuyên môn của Ban tổng hợp báo cáo tiến độ xử lý vụ án, vụ việc theo chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy. Tham mưu xây dựng chương trình kiểm tra, giám sát về khiếu nại, tố cáo.
8- Tổng hợp báo cáo công tác nội chính, phòng chống tham nhũng quý, 6 tháng, 9 tháng và hàng năm báo cáo Ban Nội chính Trung ương theo quy định.
9- Tham mưu lãnh đạo Ban bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác nội chính Đảng trên địa bàn tỉnh.
10- Tham mưu giúp lãnh đạo Ban tổ chức thực hiện các quy định của Đảng, Nhà nước về công tác tổ chức cán bộ trong cơ quan; đề xuất củng cố, kiện toàn về tổ chức bộ máy; xây dựng và tổ chức thực hiện quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ chuyên môn, nghiệp vụ; kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ, công chức theo quy định; quản lý, cập nhật tài liệu hồ sơ cán bộ, công chức, nhân viên; công tác bảo vệ chính trị nội bộ.
11- Giúp lãnh đạo Ban xây dựng và tổ chức thực hiện các quy định về đánh giá cán bộ, công chức, nhân viên; tiếp nhận, hợp đồng, tuyển dụng cán bộ, công chức, nhân viên; nâng bậc lương; bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, từ chức, thôi giữ chức vụ; điều động, luân chuyển cán bộ; công tác thi đua, khen thưởng, kỷ luật cán bộ, công chức, nhân viên và các quy định khác theo quy định của Luật cán bộ, công chức và các quy định của Đảng và Nhà nước.
12- Thực hiện nhiệm vụ công tác văn thư - lưu trữ của cơ quan; giúp lãnh đạo Ban quản lý tài chính, tài sản, bảo đảm điều kiện làm việc phục vụ các hoạt động của cơ quan theo quy định.
13- Tham mưu giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với cán bộ, công chức, người lao động thuộc Ban.
14- Chủ trì giúp lãnh đạo Ban thăm hỏi cán bộ, công chức, người lao động của Ban đã nghỉ hưu; phối hợp với gia đình tổ chức tang lễ khi cán bộ, công chức, người lao động của Ban từ trần.
15- Thực hiện công tác bảo mật, bảo vệ; phòng cháy, chữa cháy; vệ sinh môi trường cơ quan.
16- Thực hiện các nhiệm vụ khác do lãnh đạo Ban giao.
Điều 3. Quyền hạn
1- Được quyền tham mưu lãnh đạo Ban yêu cầu các tổ chức, cá nhân có liên quan báo cáo, cung cấp hồ sơ, tài liệu, thông tin về công tác tiếp công dân và kết quả giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo.
2- Được tham dự hội nghị của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các hội nghị của Hội đồng Nhân dân tỉnh, Ủy ban Nhân dân tỉnh, các hội nghị của các cấp ủy, các tổ chức đảng trực thuộc Tỉnh ủy và các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đoàn thể cấp tỉnh theo ủy quyền của lãnh đạo Ban.
3- Được mời dự hội nghị Tỉnh ủy mở rộng để nghe truyền đạt các nghị quyết của Trung ương, của Tỉnh ủy (Trưởng phòng và chuyên viên chính).
4- Được mời dự hội nghị của các cấp ủy, các tổ chức Đảng trực thuộc Tỉnh ủy và các sở, ban ngành, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đoàn thể cấp tỉnh bàn về những công việc có liên quan đến công tác tiếp công dân và xử lý, giải quyết các loại đơn, thư khiếu nại, tố cáo.
5- Được đề xuất các vấn đề liên quan đến công tác tổ chức - cán bộ, đào tạo, bồi dưỡng đối với công chức, nhân viên của cơ quan.
Điều 4. Mối quan hệ công tác
1- Đối với Ban Nội chính Tỉnh ủy
Chịu sự lãnh đạo và chỉ đạo trực tiếp về mọi mặt của lãnh đạo Ban Nội chính Tỉnh ủy; thực hiện chế độ tổng hợp, báo cáo, nghiên cứu, đề xuất các vấn đề thuộc chức năng, nhiệm vụ được giao.
2- Đối với các Phòng thuộc Ban
Là mối quan hệ phối hợp, trao đổi thông tin có liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ chung của Ban.
Điều 5. Biên chế, tổ chức bộ máy, tiêu chuẩn chức danh
1- Biên chế, tổ chức
Biên chế của Phòng Tổng hợp và Xử lý đơn thư gồm 06 đồng chí, cụ thể:
- Trưởng phòng;
- Một (01) Phó trưởng phòng;
- Một (01) Chuyên viên theo dõi và tham mưu xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo;
- Một (01) Chuyên viên tổng hợp, hành chính;
- Một (01) Chuyên viên Văn thư - Lưu trữ;
- Một (01) Phục vụ.
2- Tiêu chuẩn chức danh
- Trưởng phòng (Cử nhân Luật hoặc Cử nhân chuyên ngành, chuyên viên chính; Trung cấp Lý luận Chính trị trở lên);
- Phó Trưởng phòng (Cử nhân Luật hoặc Cử nhân chuyên ngành, chuyên viên chính; Trung cấp Lý luận Chính trị trở lên);
- Chuyên viên (Cử nhân Luật hoặc Cử nhân chuyên ngành);
- Nhân viên (có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông trở lên).
Điều 6. Phòng Tổng hợp và Xử lý đơn thư có trách nhiệm phân công cụ thể công việc cho từng công chức trình lãnh đạo Ban Nội chính Tỉnh ủy phê duyệt để thực hiện.
Điều 7. Quy định này có hiệu lực kể từ ngày ký, thay thế Quy định 08-QĐ/BNCTU ngày 26/7/2013 của Ban Nội chính Tỉnh ủy.