Quy định của Luật hình sự Việt Nam về hành vi khách quan của tội nhận hối lộ
Đây là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào cho chính bản thân người đó hoặc cho người hoặc tổ chức khác để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ. Như vậy, đặc trưng mặt khách quan của tội nhận hối lộ là hành vi nhận “bất kỳ lợi ích nào” bằng thủ đoạn lợi dụng chức vụ, quyền hạn.
Theo quy định tại Điều 354 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), hành vi nhận hối lộ thông qua sự thỏa thuận, thống nhất giữa người nhận hối lộ và người đưa hối lộ. Sự thỏa thuận giữa người nhận hối lộ và người đưa hối lộ là dấu hiệu bắt buộc của tội phạm này, đòi hỏi giữa họ phải có sự trao đổi, thống nhất, đạt đến nhận thức chung và có sự cam kết, khẳng định, thỏa thuận bằng miệng, bằng văn bản giấy tờ hoặc thỏa thuận ngầm… Để đạt được sự thỏa thuận đó, người có chức vụ, quyền hạn đã có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn để nhận hoặc sẽ nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích nào khác của người đưa hối lộ. Chức vụ, quyền hạn là điều kiện để người phạm tội thực hiện việc nhận hoặc sẽ nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích nào khác của người đưa hối lộ một cách dễ dàng. Nếu hành vi để nhận hoặc sẽ nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích khác của người đưa hối lộ do người có chức vụ, quyền hạn thực hiện không liên quan gì đến chức vụ, quyền hạn của họ thì dù họ có chức vụ, quyền hạn thì cũng không bị coi là nhận hối lộ.
Hình thức biểu hiện của hành vi nhận hối lộ rất đa dạng thể hiện “trực tiếp hoặc qua trung gian nhận hoặc sẽ nhận tiền, tài sản, lợi ích vật chất hoặc lợi ích phi vật chất dưới bất kỳ hình thức nào”. Như vậy, khi nhận của hối lộ, người phạm tội có thể nhận bằng hình thức trực tiếp hoặc qua trung gian. Trực tiếp nhận tiền, tài sản, lợi ích vật chất hoặc lợi ích phi vật chất của người đưa hối lộ là trường hợp người nhận hối lộ trực tiếp gặp gỡ, tiếp xúc, nhận “của hối lộ” từ chính người đưa hối lộ mà không thông qua người khác, tuy nhiên, cần phân biệt trường hợp người trực tiếp nhận tiền, tài sản, lợi ích vật chất hoặc lợi ích phi vật chất của người khác nhưng người đưa tiền, tài sản, lợi ích vật chất hoặc lợi ích phi vật chất lại không phải là người đưa hối lộ, cũng không phải là người môi giới hối lộ nhưng người nhận tiền vẫn là người nhận hối lộ. Qua trung gian để nhận tiền, tài sản, lợi ích vật chất hoặc lợi ích phi vật chất của người đưa hối lộ là trường hợp người nhận hối lộ không trực tiếp tiếp xúc, gặp gỡ người đưa hối lộ trong quá trình nhận “của hối lộ” từ người đưa hối lộ. Qua trung gian không nhất thiết phải là qua người thứ ba mà có thể qua nhiều người, nhiều khâu nhưng cuối cùng thì “của hối lộ” của người đưa hối lộ cũng đến với người nhận hối lộ. Người nhận hối lộ không nhất thiết phải biết người đưa hối lộ là ai, chỉ cần biết đó là của hối lộ là đã bị coi là nhận hối lộ; còn nếu như có căn cứ xác định người nhận tiền, tài sản, lợi ích vật chất hoặc phi vật chất nhưng không biết đó là của hối lộ thì người nhận không bị coi là nhận hối lộ. Tuy nhiên, hiện nay thủ đoạn nhận hối lộ diễn ra rất phức tạp, thường thì người nhận hối lộ không trực tiếp nhận “của hối lộ” của người đưa hối lộ mà để cho người thân của mình nhận, có trường hợp người thân của người phạm tội nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác thông qua những giao dịch mua bán tài sản.
Tội nhận hối lộ hoàn thành khi đạt được “sự thỏa thuận” giữa người nhận và người đưa hối lộ, trên cơ sở căn cứ vào giá trị của “của đưa hối lộ”, nên hậu quả của tội phạm là những thiệt hại về vật chất hoặc phi vật chất, tuy nhiên dấu hiệu hậu quả không phải là dấu hiệu định tội mà được xác định là dấu hiệu định khung và quyết định hình phạt cho tội nhận hối lộ, do đó tội nhận hối lộ là tội có cấu thành tội phạm hình thức.
Ngoài ra, điểm mới trong quy định của BLHS năm 2015 về tội phạm này là hành vi nhận hối lộ của người có chức vụ, quyền hạn không nhất thiết chỉ nhằm thỏa mãn nhu cầu, lợi ích cho chính bản thân họ, mà có thể nhằm thỏa mãn nhu cầu, lợi ích “cho người hoặc tổ chức khác”; đồng thời bổ sung khoản 6 “Người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước mà nhận hối lộ, thì bị xử lý theo quy định tại Điều này” nhằm xử lý những người phạm tội nhận hối lộ ở lĩnh vực tư.
Hành vi khách quan của tội nhận hối lộ thường được thực hiện dưới hai dạng hành vi. Thứ nhất, hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn nhận của hối lộ để làm hay không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ; Thứ hai, hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn nhận của hối lộ sau khi đã thực hiện việc làm hay không làm theo thỏa thuận với người đưa hối lộ. Việc nhận của hối lộ có thể được thực hiện trước hoặc thực hiện sau khi người có chức vụ, quyền hạn đã làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ. Trong cả hai trường hợp nhận hối lộ đó, chủ thể đều phải thỏa thuận trước với người đưa hối lộ. Đối với trường hợp nhận của hối lộ thứ hai, sự thỏa thuận trước còn bao gồm cả thỏa thuận về việc chủ thể sẽ được nhận của hối lộ sau khi đã thỏa mãn theo yêu cầu của người đưa hối lộ, tuy nhiên không đòi hỏi phải thỏa thuận trước về lợi ích hoặc tính chất của loại lợi ích đó. Thỏa thuận có thể được thực hiện bằng nhiều hình thức khác nhau như bằng lời nói, bằng văn bản, bằng cách đưa ra các ám hiệu, kí hiệu các bên cùng hiểu hoặc những thỏa thuận ngầm. Dù được thực hiện dưới hình thức nào những thỏa thuận đó đều phải thể hiện rõ việc đồng ý làm hay không làm một việc cụ thể theo yêu cầu của người đưa hối lộ từ phía người nhận hối lộ.
Luật hình sự Việt Nam không đòi hỏi việc làm hoặc không làm này phải là hành vi trái pháp luật. Tuy điều luật không quy định trực tiếp nhưng quan điểm được thừa nhận chung cũng như thực tiễn xét xử cho thấy hành vi của người có chức vụ, quyền hạn nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác để làm hoặc không làm một việc hợp pháp hoặc một việc đúng với chức năng, quyền hạn của người đó vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ vẫn bị coi là tội phạm.
Thực tiễn vẫn còn vướng mắc khi xác định hành vi nhận hối lộ
Quá trình định tội danh vẫn còn không ít trường hợp có ý kiến khác nhau khi xác định hành vi khách quan của tội phạm, nhất là giữa tội nhận hối lộ với một số tội danh khác trong nhóm tội phạm tham nhũng. Bởi lẻ, đặc trưng của các tội phạm tham nhũng nói chung và tội nhận hối lộ nói riêng có những dấu hiệu gần giống nhau và là những chủ thể có chức vụ, quyền hạn. Vì vậy, việc xác định hành vi khách quan của người phạm tội sẽ giúp cho cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng xác định được tội danh chính xác của người phạm tội đã phạm vào tội nào trong nhóm các tội phạm tham nhũng khi mà chủ thể của nhóm tội phạm này là chủ thể đặc biệt, những người có chức vụ, quyền hạn, nhất là đối với tội nhận hối lộ.
Vẫn còn vướng mắc trong việc xác định chưa đúng về bản chất của hành vi nhận hối lộ, như thế nào là “nhận hoặc sẽ nhận” của hối lộ. Từ đó dẫn đến xác định sai về thời điểm cấu thành tội phạm, dẫn đến bỏ lọt tội phạm.
Kiến nghị và kết luận
Để việc xác định hành vi khách quan của tội nhận hối lộ được thống nhất trong quá trình áp dụng pháp luật, thiết nghĩ cần phải tiếp tục hoàn thiện một số vấn đề trong thời gian tới như sau:
Thứ nhất, hướng dẫn về hành vi khách quan của tội nhận hối lộ, đặc biệt phân biệt nhận hối lộ trong lĩnh vực công và nhận hối lộ trong lĩnh vực tư. Lĩnh vực tư còn những trường hợp như nhận tiền hoa hồng, chi phí môi giới,… Môi giới là một hoạt động dịch vụ được pháp luật thừa nhận, hoa hồng môi giới là giá của dịch vụ này. Người được môi giới có nghĩa vụ phải trả hoa hồng cho người môi giới và được phép tính vào chi phí hợp lý khoản phí này nếu hoạt động được môi giới có liên quan đến hoạt động kinh doanh tạo ra doanh thu và thu nhập chịu thuế. Hoa hồng môi giới cũng là khoản chi phí rất dễ bị lợi dụng nếu không có cơ chế quản lý. Đây là trường hợp còn tồn tại trong thực tiễn và cần phải có văn bản hướng dẫn rõ ràng để phân biệt.
Thứ hai, hướng dẫn về thời điểm cấu thành tội phạm, tội phạm hoàn thành. Theo đó, thời điểm cấu thành tội phạm là thời điểm mà người có chức vụ, quyền hạn chấp nhận đề nghị hối lộ hoặc đưa ra đề nghị hối lộ.
Thứ ba, nghiên cứu quy định hành vi nhận hối lộ tạ ơn cũng phạm tội nhận hối lộ. Đây trường hợp người đưa hối lộ thông thường chỉ nói: “Giúp rồi sẽ nhớ ơn” và sau khi người nhận giúp đỡ thì người được giúp mới tiến hành “đền ơn đáp nghĩa” bằng khoản lợi ích vật chất/phi vật chất nào đó (đây được coi là kiểu hối lộ tạ ơn), hiện Việt Nam vẫn chưa công nhận hình thức hối lộ này và trên thực tế đa số trường hợp người am hiểu sẽ lợi dụng lỗ hổng này để lách luật và tiến hành thực hiện hành vi phạm tội “ngầm”. Chính vì vậy, cần thiết phải bổ sung hình thức nhận hối lộ này vào pháp luật hình sự Việt Nam.
Như vậy, hành vi khách quan của tội nhận hối lộ khá phức tạp, cần có sự kết hợp của nhiều dấu hiệu và bị coi là hành vi nhận hối lộ nếu người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình trực tiếp hoặc qua trung gian đã nhận hoặc sẽ nhận tiền, tài sản, lợi ích vật chất hoặc lợi ích phi vật chất dưới bất kỳ hình thức nào. Vì vậy, nghiên cứu làm sáng tỏ những quy định của pháp luật hình sự liên quan đến hành vi khách quan của tội nhận hối lộ có một ý nghĩa quan trọng không chỉ về mặt nhận thức mà còn giúp các cơ quan tiến hành tố tụng có cơ sở pháp lý để phòng ngừa và đấu tranh có hiệu quả với các hành vi phạm tội nhận hối lộ./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bộ luật Hình sự (Luật số 100/2015/QH13) ngày 27/11/2015.
2. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 (Luật số 12/2017/QH1) ngày 20/6/2017.
3. Luật Phòng, chống tham nhũng (Luật số 36/2018/QH14) ngày 20/11/2018.
4. Nguyễn Thị Phương Hoa - Phan Anh Tuấn (2017), Bình luận khoa học Những điểm mới của BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), NXB Hồng Đức.
5. Trần Văn Luyện - Phùng Thế Vắc - Lê Văn Thư - Nguyễn Mai Bộ - Phạm Thanh Bình - Nguyễn Ngọc Hà - Phạm Thị Thu (2018), Bình luận khoa học Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) - Phần các tội phạm, NXB Công an Nhân dân.
6. Ủy ban Thường vụ Quốc Hội - Viện nghiên cứu lập pháp (2018), Pháp luật phòng, chống tham nhũng - Những vấn đề lý luận và thực tiễn, NXB Tư pháp.
7. Bản án số 06/2018/HS-PT ngày 29/01/2018 của Tòa án Nhân dân tỉnh Quảng Bình.
8. Bản án số 215/2014/HSST ngày 03/6/2014 của Tòa án Nhân dân TP. HCM.
9. Bản án số 158/2010/HSST ngày 22/06/2010 của Tòa án Nhân dân TP. HCM.