TIN MỚI NHẤT

MỘT SỐ NỘI DUNG VỀ “XUNG ĐỘT LỢI ÍCH” TRONG PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG

Công ước của Liên hợp quốc năm 2003 về phòng, chống tham nhũng (UNCAC) có hiệu lực thi hành ngày 14/12/2005 và có hiệu lực tại Việt Nam từ ngày 18/9/2009.

Tại khoản 4, Điều 7 (khu vực công) quy định “Mỗi quốc gia thành viên, trên cơ sở phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật nước mình, nỗ lực ban hành, duy trì và củng cố các cơ chế tăng cường minh bạch và phòng ngừa xung đột lợi ích (XĐLI)”. Tại khoản 5, Điều 8 (quy tắc ứng xử cho công chức) quy định: “Khi thích hợp và phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật nước mình, mỗi quốc gia thành viên nỗ lực thiết lập các biện pháp và cơ chế yêu cầu công chức báo cáo cơ quan có thẩm quyền về các vấn đề có liên quan trong đó có những hoạt động công việc, các khoản đầu tư bên ngoài hay tài sản hoặc quà tặng giá trị lớn, những thứ mà có thể gây XĐLI khi họ thực hiện công vụ”. Tại điểm b, e, khoản 2, Điều 12 (khu vực tư) có nêu: “Thúc đẩy xây dựng các chuẩn mực và thủ tục nhằm bảo vệ sự liêm khiết của các tổ chức tư nhân tương ứng, trong đó có quy tắc ứng xử về tính chính xác, tính chính trực và tính đúng đắn trong hoạt động kinh doanh và tất cả các nghề nghiệp liên quan, đồng thời thúc đẩy công tác phòng ngừa XĐLI, thúc đẩy nhân rộng các thực tiễn thương mại tốt trong hoạt động kinh doanh và trong quan hệ hợp đồng với quốc gia đó”, “Phòng ngừa XĐLI bằng cách cấm, khi thấy phù hợp và trong một thời gian hợp lý, những người đã từng là công chức thực hiện các hoạt động nghề nghiệp hoặc cấm khu vực tư nhân tuyển dụng công chức vào làm việc sau khi họ đã từ chức hoặc về hưu nếu các hoạt động nghề nghiệp hoặc việc tuyển dụng đó có liên quan trực tiếp đến chức năng mà công chức này đảm nhiệm hoặc giám sát khi còn đương nhiệm”.

Công ước UNCAC không có điều, khoản nào giải thích cụ thể về khái niệm XĐLI và kiểm soát XĐLI. Tuy nhiên, từ những quy định đã nêu ở trên có thể nhận thức khái quát rằng: XĐLI là sự đối lập, mâu thuẫn về lợi ích cá nhân của công chức với các nhóm lợi ích khác sẽ ảnh hưởng tiêu cực, không đúng đắn đến việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ của công chức. Công ước khuyến nghị các quốc gia thành viên quy định về nghĩa vụ báo cáo, giải trình của công chức, hạn chế một số quyền lợi của công chức về tài sản, về quà tặng, về công việc làm thêm để có thể kiểm soát tốt vấn đề XĐLI.

Khoản 8, Điều 3, Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2018 được Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 20/11/2018, có hiệu lực từ ngày 01/7/2019 quy định: “XĐLI là tình huống mà trong đó lợi ích của người có chức vụ, quyền hạn hoặc người thân thích của họ tác động hoặc sẽ tác động không đúng đến việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ”.

          Qua những nội dung nêu trên cho thấy, XĐLI là tình huống được tạo ra bởi sự mâu thuẫn, xung đột giữa lợi ích cá nhân của người có chức vụ, quyền hạn hoặc lợi ích của những người thân thích của người có chức vụ, quyền hạn sẽ tác động tiêu cực đến việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ, làm cho việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ không còn đảm bảo tính đúng đắn, khách quan, công tâm, vô tư. XĐLI và hành vi tham nhũng có mối liên hệ nhân quả rất chặt chẽ. XĐLI là nguyên nhân, tham nhũng là kết quả. Trong mối quan hệ này, XĐLI là cái có trước về mặt thời gian, là cái có thể trực tiếp làm phát sinh hành vi tham nhũng trên thực tế. XĐLI vừa mang tính khách quan, vừa biểu hiện nhân tố chủ quan của chủ thể là người có chức vụ, quyền hạn trong đó. Đây là loại tình huống có thể được tạo ra bởi các nhân tố khách quan từ bên ngoài môi trường xã hội (như sự phân công nhiệm vụ công tác, các mối quan hệ xã hội, các hoàn cảnh ngẫu nhiên,...) nhưng cũng có thể do chính chủ thể tạo ra để sử dụng nó vào việc thực hiện hành vi tham nhũng (chủ động tham gia vào những hoạt động, những hợp đồng hoặc giao dịch dân sự).

          Tuy nhiên, cũng cần thấy rằng không phải mọi tình huống XĐLI đều có thể phát sinh hành vi tham nhũng nhưng khi tham gia vào tình huống này thì yếu tố “nguy cơ” cao là chủ thể sẽ lựa chọn cho lợi ích cá nhân, lợi ích của người thân thích, nên tình huống XĐLI thường dễ dàng làm phát sinh hành vi tham nhũng trên thực tế. Ngay khi cả chủ thể không lựa chọn cho mình hành vi tham nhũng để thỏa mãn các lợi ích cá nhân, lợi ích của người thân thích của họ đi chăng nữa thì nhiệm vụ, công vụ ấy cũng không còn tính vô tư, khách quan, đáng tin cậy trước công chúng và dư luận. Vì vậy mà bất kể thế nào thì các cơ quan, tổ chức, đơn vị cũng như các doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước điều phải nhận diện và kiểm soát có hiệu quả XĐLI trên thực tế, để đảm bảo cho mình sự liêm chính, uy tín và đáng tin cậy từ cộng đồng xã hội.

Từ những nội dung về vấn đề XĐLI, ta có thể thấy XĐLI thể hiện ở các tình huống sau:

- Tình huống XĐLI tồn tại nhất thời, một lần. Ví dụ: Việc tặng quà và nhận quà tặng có liên quan đến công việc của người có chức vụ, quyền hạn, việc giải quyết công việc có liên quan đến người thân thích của người có chức vụ, quyền hạn,...

- Tình huống XĐLI tồn tại trong thời gian dài. Ví dụ: Việc tham gia đầu tư, kinh doanh, quản lý doanh nghiệp, công ty của người có chức vụ, quyền hạn, việc được bổ nhiệm là người đứng đầu địa phương nơi người có chức vụ, quyền hạn có các mối quan hệ dòng tộc, làng xóm, gia đình,...

- Tình huống XĐLI do yếu tố chủ quan, do bản thân người có chức vụ, quyền hạn tạo ra. Ví dụ: Việc người có chức vụ, quyền hạn tham gia vào hoạt động đầu tư, kinh doanh quản lý doanh nghiệp, công ty, bổ nhiệm người thân thích vào các vị trí gây XĐLI trong cơ quan, tổ chức, đơn vị mà mình là người đứng đầu,...

- Tình huống XĐLI do yếu tố khách quan tạo ra. Đây là những tình huống XĐLI không đến từ cá nhân của người có chức vụ, quyền hạn mà do cá nhân, tổ chức, do hoàn cảnh ngẫu nhiên tạo ra. Ví dụ: Sự phân công nhiệm vụ, việc chỉ đạo, điều hành của cấp trên, của tổ chức, đơn vị đối với người có chức vụ quyền hạn.

          Nghiên cứu, tìm hiểu sâu kỹ về nội dung XĐLI, sẽ giúp giải quyết tốt những tình huống liên quan XĐLI, góp phần thực hiện có kết quả công tác phòng, chống tham nhũng của địa phương, đơn vị.


Các tin khác