TIN MỚI NHẤT

Bất cập trong quy định về xử lý hành vi cho vay lãi nặng

Thời gian qua, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động cho vay lãi nặng, “tín dụng đen” xảy ra tại nhiều địa phương trên cả nước, trong đó có tỉnh Bình Thuận, gây ảnh hưởng đến an ninh, trật tự với thủ đoạn rất tinh vi, phức tạp. Các đối tượng lợi dụng mạng viễn thông, Internet, núp bóng các tổ chức có chức năng cho vay tài chính, kinh doanh cầm đồ, tạo vỏ bọc, đối phó với cơ quan chức năng để hoạt động cho vay lãi nặng.

Thực tế cho thấy, hoạt động cho vay lãi nặng, “tín dụng đen” là hình thức cho vay với lãi suất vượt quá mức lãi suất pháp luật quy định, thường gắn với các hành vi đòi nợ hoặc đòi nợ thuê có tính chất côn đồ, chiếm đoạt tài sản trái pháp luật. Chủ nợ thường thuê các băng nhóm, đối tượng có tiền án, tiền sự sử dụng vũ lực thực hiện các tội phạm xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, danh sự, nhân phẩm và chiếm đoạt, hủy hoại tài sản người đi vay, gây lo lắng, bức xúc trong nhân dân. Một trong những nguyên nhân của tình trạng trên là quy định của pháp luật về xử lý tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động cho vay lãi nặng chưa đầy đủ, bất cập, khó khăn trong việc áp dụng.

Cụ thể, theo quy định tại Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015 (BLDS 2015) thì “lãi suất vay do các bên thỏa thuận. Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay… Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực”.

Như vậy, BLDS 2015 đã xác định việc cho vay vượt quá lãi suất giới hạn là vi phạm pháp luật. Mặc dù vậy, hiện nay chỉ có duy nhất quy định tại khoản 3 Điều 11 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt đối với với hành vi này, theo đó “cho vay tiền có cầm cố tài sản, nhưng lãi suất cho vay vượt quá 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm cho vay thì phạt tiền từ 05 đến 15 triệu đồng”. Tuy nhiên, từ cuối năm 2011, Ngân hàng nhà nước đã bỏ quy định về lãi suất cho vay cơ bản, thay bằng lãi suất trần huy động vốn không quá 13% đến 14%/năm, do vậy không thể lấy lãi suất huy động vốn áp dụng vào việc xử lý hành vi nói trên.

Bên cạnh đó, quy định về xử lý hành vi cho vay vượt quá lãi suất giới hạn 20% trong BLDS hiện chưa đầy đủ. Quy định tại khoản 3 Điều 11 Nghị định 167/2013/NĐ-CP chỉ áp dụng đối với hành vi “cho vay tiền có cầm cố tài sản”, còn đối với việc “cho vay nhưng không cầm cố tài sản” thì chưa có quy định điều chỉnh.

Đối với chế tài hình sự thì Điều 201 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 quy định: “Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 05 lần mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự (tức 100%/năm), thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm…”.

Như vậy, trường hợp người cho vay với lãi suất từ 21%/năm đến 99%/năm hoặc trên 100% năm nhưng chưa thu lợi bất chính đủ 30.000.000 đồng hiện nay chưa có quy định nào để xử lý. Đây cũng là kẻ hở của pháp luật mà từ đó một số cá nhân, tổ chức đang lợi dụng để hoạt động cho vay lãi nặng với hình thức cho vay với lãi suất dưới 100%/năm hoặc trên 100% năm nhưng thu lợi bất dưới 30.000.000 đồng. Cũng chính lý do này mà hiện nay các cơ quan chức năng chưa thể xử lý triệt để hành vi cho vay lãi nặng và đây vẫn là “mảnh đất màu mỡ” để cho các đối tượng cho vay lãi nặng, “tín dụng đen” hoạt động.

Có thể thấy, cho vay lãi nặng, “tín dụng đen” là hoạt động mang tính tội phạm tìm ẩn nhiều nguy cơ gây ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội tại các địa phương. Mặc dù, các cấp, các ngành từ Trung ương, đến địa phương đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, huy động nhiều nguồn lực để đấu tranh, triệt xóa hoạt động này nhưng vẫn chưa đem lại các kết quả tích cực. Do đó, các cấp, các ngành cần đóng góp ý kiến đề nghị Chính phủ nghiên cứu ban hành quy định xử phạt vi phạm hành chính về hành vi cho vay lãi nặng nhưng không cầm cố tài sản”, góp phần tạo cơ sở pháp lý giải quyết tình trạng cho vay lãi nặng, “tín dụng đen” diễn ra hiện nay./.


Các tin khác