Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về phòng, chống tham nhũng tiếp tục được được các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo. Các cấp, các ngành đã phát hành 1675 tài liệu, tờ rơi và tổ chức 22 lớp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng với 2188 lượt cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên và người lao động tham dự; qua đó, góp phần nâng cao nhận thức về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng.
Các giải pháp phòng, chống tham nhũng đã được các cơ quan, tổ chức, đơn vị tập trung triển khai thực hiện và có kết quả. Việc công khai, minh bạch trong hoạt động; xây dựng, ban hành, thực hiện các chế độ, định mức, tiêu chuẩn trên địa bàn tỉnh; nhất là thực hiện cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế “01 cửa” và “01 cửa liên thông” có chuyển biến tiến bộ, tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn đạt 98%. Việc thực hiện các quy tắc ứng xử và chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức nhằm phòng ngừa tham nhũng được các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục thực hiện đúng quy định; đã chuyển đổi vị trí công tác 62 cán bộ, công chức, viên chức/06 cơ quan, đơn vị.
Công tác thanh tra, kiểm tra về phòng, chống tham nhũng của thanh tra cấp tỉnh, cấp huyện và thanh tra ngành được quan tâm đẩy mạnh. Ngay từ đầu năm, đã ban hành Kế hoạch thanh tra năm 2021, trong đó sẽ tổ chức 39 cuộc thanh tra về thực hiện pháp luật phòng, chống tham nhũng. Đến nay, đã triển khai 08 cuộc và đã hoàn thành 04 cuộc thanh tra.
Công tác phát hiện xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng được các cơ quan tiến hành tố tụng tập trung đẩy nhanh tiến độ xử lý; trong kỳ không phát hiện vụ việc, vụ án tham nhũng mới. Trong quý, các cơ quan tiến hành tố tụng tiếp tục thụ lý, giải quyết 04 vụ/10 người (năm 2020 chuyển sang) với tổng thiệt hại là 6.669,588 triệu đồng, đã thu hồi 5.496,588 triệu đồng (đạt 82,4%), tăng 23,6% so với cùng kỳ năm 2020; đến nay, đã xử lý xong 02/04 vụ việc, vụ án tham nhũng. Ngoài ra, các cơ quan chức năng tiếp tục giải quyết 05 vụ/16 người sai phạm về kinh tế, chức vụ từ năm 2020 chuyển sang.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phòng, chống tham nhũng của một số đơn vị, địa phương vẫn còn những những hạn chế, thiếu sót như: Triển khai một số giải pháp phòng ngừa chưa sâu kỹ, nhất là tổ chức công khai tài chính chưa kịp thời, dẫn đến tình trạng phản ánh đơn thư; việc áp dụng chính sách pháp luật về định mức tiêu chuẩn, sử dụng kinh phí đối với nguồn thu sự nghiệp công lập có nơi còn lúng túng, chưa đảm bảo quy định; sự phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng cùng cấp tại một số địa phương, đơn vị trong việc xử lý kỷ luật về đảng, kỷ luật về cán bộ, công chức, viên chức sai phạm trong một số vụ án tham nhũng, kinh tế chức vụ có lúc chưa kịp thời, thiếu chặt chẽ.
Để công tác phòng, chống tham nhũng thời gian tới đạt kết quả tốt hơn, các ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh tích cực tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng bằng nhiều hình thức để nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm trong công tác phòng, chống tham nhũng.Triển khai đồng bộ các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, nhất là tăng cường công tác cải cách thủ tục hành chính. Đẩy mạnh việc thực hiện công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, đơn vị; chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát tập trung vào những lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực như đất đai, kinh tế - tài chính, tư pháp, y tế...; phát huy hơn nữa công tác tự kiểm tra nội bộ để ngăn ngừa, phòng chống tham nhũng, lãng phí. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế trên địa bàn và nâng cao hiệu quả công tác thu hồi tài sản nhà nước bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng, kinh tế; thực hiện đồng bộ, kịp thời, nghiêm minh giữa kỷ luật Đảng, kỷ luật hành chính của Nhà nước và xử lý hình sự.