TIN MỚI NHẤT

Một số kết quả đạt được trong công tác cải cách tư pháp 9 tháng năm 2021

Thực hiện kế hoạch nhiệm vụ trọng tâm công tác cải cách tư pháp của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, ngay từ đầu năm, các cấp ủy, tổ chức đảng, các cơ quan tư pháp đã chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch của đơn vị, địa phương và tổ chức triển khai thực hiện đạt một số kết quả tích cực, nổi rõ là:

Các ngành tư pháp, các địa phương, đơn vị tăng cường phối hợp tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ cải cách tư pháp. Thông qua hoạt động của ngành, đơn vị đã đề xuất, kiến nghị với cấp có thẩm quyền lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường các biện pháp phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật..., góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh. Công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ tư pháp được các cơ quan tư pháp quan tâm, thường xuyên kiện toàn tổ chức, biên chế các cơ quan tư pháp, nhất là trong lực lượng công an đảm bảo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác. Công tác điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án có nhiều cố gắng đảm bảo quy định của pháp luật, không để xảy ra oan, sai, không bỏ lọt tội phạm; kết quả giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, án kết thúc điều tra, truy tố đạt tỷ lệ cao hơn cùng kỳ năm 2020. Trong 9 tháng năm 2021, cơ quan cảnh sát điều tra các cấp đã thụ lý 1.929 tố giác, tin báo về tội phạm (tăng 31 tin báo so với cùng kỳ năm 2020), trong đó giải quyết 1.583 tin, đạt tỷ lệ 82,06% (tăng 2,24% so với cùng kỳ năm 2020); kết thúc điều tra 998 vụ/1.390 bị can, đạt tỷ lệ 63,5% (tăng 5,5% so với cùng kỳ). Thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp trong giai đoạn truy tố, Viện kiểm sát nhân dân hai cấp đã giải quyết 862 vụ/1.317 bị can trên tổng số 906 vụ/1.374 bị can, đạt 95,14% (tăng 6,92% so với cùng kỳ); không có trường hợp Viện kiểm sát truy tố nhưng Tòa án tuyên không phạm tội hoặc đình chỉ vì không phạm tội. Bên cạnh đó, Ủy ban nhân dân tỉnh quan tâm bố trí, hỗ trợ kinh phí (hơn 5,7 tỷ đồng) để cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất của các cơ quan tư pháp; lắp đặt hệ thống truyền hình trực tuyến phiên tòa (giai đoạn 2); sửa chữa nhà làm việc công an xã, phường và một số đơn vị thuộc Công an tỉnh... tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan tư pháp hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh đánh giá kết quả công tác cải cách tư pháp 9 tháng năm 2021

Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh và cấp huyện duy trì nền nếp họp định kỳ hàng quý nhằm đánh giá tình hình, kịp thời cho chủ trương giải quyết những khó khăn, vướng mắc, đảm bảo nâng cao hiệu quả hoạt động các cơ quan tư pháp theo quy định, tăng cường công tác quản lý nhà nước về tổ chức và hoạt động bổ trợ tư pháp, nhất là kiện toàn, phát triển các tổ chức, cá nhân hành nghề luật sư, công chứng, giám định tư pháp... trên địa bàn. Trong 9 tháng, phát triển thêm 04 tổ chức hành nghề luật sư, nâng tổng số tổ chức hành nghề luật sư tại tỉnh là 29 tổ chức và 14 chi nhánh, với 59 luật sư đang hoạt động. Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành quyết định phê duyệt Đề án quản lý, phát triển tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn tỉnh đến năm 2025; toàn tỉnh hiện có 32 tổ chức hành nghề công chứng, với 44 công chứng viên hoạt động (tăng 05 tổ chức, 04 công chứng viên so với thời điểm cuối năm 2020). Các tổ chức hành nghề công chứng được phân bổ 09/10 huyện, thị xã, thành phố (riêng huyện Phú Quý chưa thành lập Văn phòng công chứng)... đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu của các tổ chức, người dân.

Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, trong đó có ảnh hưởng tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp trên địa bàn tỉnh, nhất là việc thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 và một số địa phương thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ; kết quả công tác cải cách tư pháp thời gian qua còn một số mặt hạn chế, khó khăn. Cụ thể là: tỷ lệ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, án kết thúc điều tra tuy có tăng so với cùng kỳ nhưng còn thấp so với chỉ tiêu giao; kết quả thi hành án dân sự đạt thấp (về việc đạt 66,3%, giảm 3,26%; về tiền đạt 23,09%, giảm 4,83% so với cùng kỳ). Công tác điều tra, truy tố, xét xử một số vụ án hình sự vẫn còn tình trạng trả hồ sơ để điều tra bổ sung (25 vụ, tăng 10 vụ so với cùng kỳ năm 2020). Tỷ lệ giải quyết vụ án, vụ việc của tòa án còn thấp, nhất là các vụ, việc dân sự (đạt 45,5%) và án hành chính (đạt 25,3%). Số án bị hủy, bị sửa do lỗi chủ quan của thẩm phán còn ở mức cao (44 vụ), án hành chính quá hạn còn nhiều (15 vụ). Công tác phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng trong giải quyết một số vụ án tham nhũng, kinh tế chưa kịp thời; công tác phối hợp cưỡng chế thi hành án dân sự trong 6 tháng đầu năm có việc còn chậm dẫn đến phát sinh khiếu kiện. Vẫn còn trường hợp một số cơ quan nhà nước chậm cung cấp thông tin, tài liệu theo yêu cầu của Tòa án trong giải quyết các vụ án, vụ việc dân sự, hành chính, nhất là các vụ việc liên quan đến đất đai, dẫn đến thời gian xử lý vụ án, vụ việc kéo dài, tồn đọng, quá hạn. Mặt khác, tình hình đội ngũ cán bộ có chức danh tư pháp (nhất là đối với ngành tòa án và thi hành án dân sự của tỉnh) còn khuyết, thiếu so với yêu cầu, trong khi khối lượng công việc phát sinh nhiều, tạo áp lực lớn trong xử lý, giải quyết cũng là một trong những nguyên nhân hạn chế, ảnh hưởng đến kết quả hoạt động tư pháp của các cơ quan, đơn vị.

Để phát huy hơn nữa những ưu điểm, kết quả đạt được và khắc phục những hạn chế, khó khăn, đảm bảo hoàn thành tốt các nhiệm vụ trọng tâm công tác cải cách tư pháp năm 2021, thời gian tới các ngành, các cấp, địa phương cần nỗ lực, tập trung, phấn đấu hoàn thành đạt và vượt các chỉ tiêu của ngành cấp trên giao. Trong đó, tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc văn bản chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII về nội dung liên quan cải cách tư pháp. Quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng, chủ động làm tốt công tác tạo nguồn, phương án nhân sự để sớm kiện toàn, bổ sung đội ngũ cán bộ có chức danh tư pháp còn khuyết, thiếu; thường xuyên thực hiện công tác giáo dục, quản lý, nâng cao chất lượng công tác của đội ngũ cán bộ nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, tránh xảy ra sai phạm, tiêu cực trong hoạt động tư pháp. Nâng cao chất lượng điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án; thực hiện tốt kiểm sát điều tra, hạn chế thấp nhất án trả điều tra bổ sung, án hủy, án sửa do lỗi chủ quan của thẩm phán. Đẩy nhanh tiến độ điều tra các vụ án tham nhũng, kinh tế, chức vụ, các vụ án dư luận xã hội quan tâm. Tiếp thu, cải tiến, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nhất là các quy định, văn bản luật mới ban hành với nội dung, phương pháp đa dạng, phù hợp với từng đối tượng, địa bàn, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và Nhân dân. Thực hiện tốt các quy chế phối hợp giữa các cơ quan tư pháp, quy chế phối hợp trong quản lý nhà nước về công tác giám định tư pháp; phát huy cao vai trò trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan trong việc đẩy nhanh tiến độ công tác giám định, đảm bảo phục vụ tốt các hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng. Bên cạnh đó, cần tăng cường hơn nữa công tác quản lý, nâng chất lượng các hoạt động bổ trợ tư pháp; thường xuyên tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thi hành pháp luật trên các lĩnh vực, nhằm phòng ngừa, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật. Phát huy hơn nữa vai trò kiểm tra, giám sát của cấp ủy, Hội đồng Nhân dân, Mặt trận tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp đối với hoạt động các cơ quan tư pháp, nhằm nâng cao hiệu quả công tác cải cách tư pháp của các cơ quan, địa phương, đảm bảo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh trong tình hình mới./.


Các tin khác