TIN MỚI NHẤT

Hiệu quả của Tủ sách pháp luật nhìn từ góc độ người khai thác, sử dụng

Xác định tủ sách pháp luật là một kênh thông tin quan trọng góp phần đưa pháp luật về cơ sở; là một hình thức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật khá hiệu quả, những năm qua Bình Thuận luôn quan tâm chỉ đạo, đầu tư xây dựng hệ thống Tủ sách pháp luật tại các xã, phường, thị trấn. Việc trang bị tủ sách pháp luật đã góp phần giúp cán bộ công chức và người dân tiếp cận pháp luật có phần thuận lợi hơn.  

Theo số liệu thống kê đến năm 2013 trên địa bàn tỉnh đã xây dựng được 573 Tủ sách pháp luật. Trong đó, 137 Tủ sách thuộc các xã, phường, thị trấn; 436 Tủ sách thuộc các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học. Phần lớn các Tủ sách pháp luật đều có số lượng đầu sách, tài liệu cơ bản đáp ứng được nhu cầu nghiên cứu, tìm hiểu pháp luật của cán bộ, công chức và nhân dân. Trung bình mỗi Tủ sách pháp luật có từ 100 đến 250 đầu sách với nhiều thể loại khá phong phú. Ngoài ra, Tủ sách pháp luật ở xã, phường, thị trấn còn có sách, tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ công tác chính quyền, hành chính, tư pháp cơ sở;Tủ sách pháp luật ở cơ quan, đơn vị còn có sách, tài liệu pháp lý phục vụ cho công tác quản lý, hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ, giảng dạy và học tập của cơ quan, đơn vị. Theo quy định, hàng năm ngân sách địa phương của các xã, phường, thị trấn đầu tư 2.000.000đ (hai triệu đồng) để trang bị thêm đầu sách cho mỗi Tủ sách pháp luật. Như vậy, việc đầu tư cho Tủ sách pháp luật trong những năm qua được các cấp, các ngành và địa phương quan tâm từ chỉ đạo đến triển khai thực hiện.

Tuy nhiên, hiệu quả thực sự của Tủ sách pháp luật mang lại cho người dân đến đâu? Đối tượng khai thác, sử dụng Tủ sách pháp luật chủ yếu là ai? … thì cần phải có một góc nhìn phù hợp. Đó là góc nhìn từ người trực tiếp khai thác, sử dụng Tủ sách pháp luật – đối tượng được phục vụ:

Thứ nhất về số lượng, đối tượng tiếp cận Tủ sách pháp luật: Theo kết quả khảo sát cuối năm 2013 của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chỉ có 43,4% số người được hỏi trả lời có biết ở địa phương mình có Tủ sách pháp luật; số còn lại không biết ở địa phương mình có Tủ sách pháp luật. Trong số người trả lời biết có Tủ sách pháp luật thì chỉ có 40,3% đã từng mượn sách, số người không mượn sách chiếm tỷ lệ lên đến 59,7% và trong số 40,3% người đã từng mượn sách thì cán bộ, công chức đang làm việc ở địa phương chiếm đa số. Như vậy có thể thấy rằng đối tượng tiếp cận Tủ sách pháp luật chủ yếu là cán bộ, công chức; số lượng người dân chưa tiếp cận được Tủ sách pháp luật còn nhiều, thậm chí số người dân chưa biết ở địa phương mình có Tủ sách pháp luật chiếm gần 57%.

Thứ hai về số lượng đầu sách pháp luật: nhìn chung đa phần các Tủ sách pháp luật có số lượng đầu sách khá lớn, nội dung khá phong phú (như số liệu nêu ở phần trên). Tuy nhiên, hiện nay đa số các đầu sách ở các Tủ sách pháp luật thường lạc hậu về nội dung do các văn bản pháp luật thường xuyên được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế; thêm vào đó những đầu sách liên quan trực tiếp đến đời sống hàng ngày của người dân như: đền bù đất đai, giải phóng mặt bằng, thủ tục đăng ký khai sinh, hộ tịch, giấy tờ nhà đất… còn thiếu do đó chỉ đáp ứng một phần nhu cầu của người dân. Theo kết quả khảo sát chỉ có 25,3% số người cho rằng số lượng đầu sách đáp ứng cơ bản nhu cầu tìm hiểu của họ; 53% cho rằng đáp ứng một phần nhu cầu tìm hiểu; 16,9% cho rằng chưa đáp ứng nhu cầu tìm hiểu; 4,8% cho rằng khó trả lời.

Thứ ba về vị trí, nơi đọc và thời gian phục vụ của Tủ sách pháp luật: Hiện nay đa phần các Tủ sách pháp luật của các xã, phường, thị trấn được đặt tại Phòng làm việc của công chức Tư pháp – Hộ tịch và chỉ phục vụ trong giờ hành chính, cách làm này tạo tâm lý người dân ngại đến tìm đọc sách, báo, tài liệu trong giờ hành chính, ngoài giờ hành chính thì không phục vụ, thêm vào đó hiện nay hầu như các địa phương có Tủ sách pháp luật đều không có chỗ để đọc sách. Theo kết quả khảo sát chỉ có 36,4% số người được hỏi trả lời có nơi để đọc sách; 34% trả lời không có nơi để đọc sách và 29,6% trả lời không rõ. Trong số 36,4% trả lời có nơi để đọc sách thì đa phần đều trả lời đọc sách tại phòng “Một cửa”, người đọc sử dụng hàng ghế được bố trí để người dân chờ giải quyết hồ sơ.

Từ thực tế trên cho thấy hiệu quả mang lại của Tủ sách pháp luật vẫn chưa rõ nét, nhóm khai thác Tủ sách pháp luật chủ yếu là cán bộ công chức ở các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học và cán bộ hưu trí, cựu chiến binh, cán bộ ở xã, phường, thị trấn. Số lượng nhân dân đến mượn, đọc sách ở Tủ sách pháp luật còn rất hạn chế, do Tủ sách pháp luật bố trí ở vị trí không thuận tiện, chưa có phòng đọc riêng và chỉ phục vụ trong giờ hành chính nên người dân ít có điều kiện đến đọc, một số người dân chỉ đến mượn, đọc sách ở Tủ sách pháp luật khi họ phát sinh nhu cầu có liên quan đến quyền và lợi ích của mình.

Như vậy, xét trên mục đích của việc trang bị Tủ sách pháp luật là nhằm tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước đến người dân và kinh phí hàng năm đầu tư trang bị thì vấn đề có tiếp tục duy trì Tủ sách pháp luật nữa hay không cần phải xem xét? Nếu tiếp tục duy trì thì cần có những giải pháp gì để Tủ sách pháp luật phát huy được hiệu quả thật của nó? Còn nếu không duy trì nữa thì hình thức phổ biến nào sẽ được thay thế Tủ sách pháp luật để đưa pháp luật về cơ sở? Ngành Tư pháp và chính quyền cơ sở cần thực hiện các cuộc kiểm tra, thăm dò, đánh giá một cách nghiêm túc, khoa học để từ đó đề ra những giải pháp phù hợp hơn góp phần đưa pháp luật về cơ sở một cách sâu rộng.

Nguồn: Bùi Danh Dũng


Các tin khác