TIN MỚI NHẤT

Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo

Thời gian qua công tác lãnh đạo, chỉ đạo tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo luôn được người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện theo đúng các quy định của Đảng và Nhà nước. Nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; ngày 05/9/2014, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 53-CT/TU, từ đó đến nay công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn tỉnh ngày càng chất lượng và hiệu quả hơn.

Trong công tác lãnh đạo, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy đã thực hiện nghiêm túc việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân. Qua đó, đã chú trọng đến công tác tiếp dân tại cơ sở, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của người dân; chủ động đối thoại trong giải quyết khiếu kiện, bức xúc của nhân dân xử lý những phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của dân theo quy định. Theo số liệu thống kê, trong quý I/2019, thủ trưởng các cấp chính quyền từ tỉnh đến địa phương, các sở, ban, ngành đã tiếp 660 lượt/764 người; đồng thời đã tiếp nhận 290 đơn khiếu tố (khiếu nại 213 đơn, tố cáo 77 đơn); ngoài ra còn tiếp nhận 602 đơn kiến nghị, phản ánh và 236 đơn tranh chấp. Qua xử lý, đơn thuộc thẩm quyền các cơ quan nhà nước: 54/290 đơn khiếu tố, chiếm 18,62% tổng số đơn tiếp nhận, 382/602 đơn kiến nghị, phản ánh, chiếm 63,46%; 194/236 đơn tranh chấp, chiếm 63,46%; 194/236 đơn tranh chấp, chiếm 82,2%. Các cấp chính quyền đã giải quyết 36/54 đơn khiếu tố (đạt 66,67%); 232/382 đơn kiến nghị, phản ánh (đạt 60,73%); 101/194 đơn tranh chấp (đạt 52,06%). Đặc biệt, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã tiếp 03 lượt/04 công dân và chủ trì đối thoại với 260 công dân huyện Bắc Bình.

Nhằm tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác tiếp dân và xử lý đơn thư và triển khai thực hiện Quy định số 11-QĐi/TW ngày 18/02/2019 của Bộ Chính trị về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân; Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng đã yêu cầu các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và đoàn thể chính trị - xã hội các cấp, các ngành trong tỉnh theo chức năng nhiệm vụ của mình tiếp tục tổ chức thực hiện tốt công tác tiếp dân và phối hợp xử lý, giải quyết đơn thư phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của dân đảm bảo đúng quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước, kịp thời, khách quan; không để dây dưa kéo dài, gây bức xúc cho người dân, làm phát sinh khiếu kiện đông người, vượt cấp, ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương; coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương. Ngoài ra, các cấp ủy đảng từ cấp tỉnh đến cấp xã ban hành quy chế người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân cho phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương. Theo đó, người đứng đầu cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện tiếp dân ít nhất 1 ngày trong 1 tháng; người đứng đầu cấp ủy cấp xã tiếp dân ít nhất 2 ngày trong 1 tháng.

Việc Bộ Chính trị ban hành quy định trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân một lần nữa cho thấy Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo của dân. Vì vậy, đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ, đảng viên được giao nhiệm vụ tiếp dân, tham mưu giải quyết khiếu nại, tố cáo cần phải nhận thức đúng đắn, nâng cao tinh thần trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ được giao. Từ đó sẽ bảo đảm thực hiện tốt quyền khiếu nại, tố cáo của công dân, phát huy quyền dân chủ, tạo điều kiện để công dân tham gia quản lý nhà nước và xã hội; củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước; góp phần xây dựng bộ máy nhà nước trong sạch, vững mạnh./.


Các tin khác