TIN MỚI NHẤT

TÍNH TRANH TỤNG TRONG QUÁ TRÌNH GIẢI QUYẾT VỤ ÁN HÌNH SỰ THEO TINH THẦN CẢI CÁCH TƯ PHÁP HIỆN NAY

Ngày 01/01/2018, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 chính thức có hiệu lực thi hành, một trong những nội dung mới của Bộ luật là đã tiếp thu nhiều quan điểm của Đảng theo tinh thần cải cách tư pháp hiện nay, trong đó đã ghi nhận nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được bảo đảm.

Trước khi Đảng ta ban hành các Nghị quyết về cải cách tư pháp thì thuật ngữ “tranh tụng” còn khá xa lạ trong đời sống pháp luật Việt Nam. Bộ luật tố tụng hình sự năm 1988 khi đó chỉ là sự pháp điển hóa các quy định về tố tụng hình sự trong các Luật về tổ chức của các cơ quan Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân và các văn bản quy phạm dưới luật khác trước đó và trong thời kỳ này gần như hoàn toàn thiếu vắng yếu tố tranh tụng trong thực tiễn xét xử hình sự ở nước ta. Nhận thấy được sự cần thiết phải đổi mới hệ thống tố tụng nói chung, tố tụng hình sự nói riêng để khắc phục tình trạng “bỏ lọt tội phạm, làm oan người vô tội, vi phạm các quyền tự do, dân chủ của công dân”… Đảng ta đã chủ trương và đề ra các quan điểm nhằm hoàn thiện mô hình tố tụng hình sự Việt Nam theo hướng “Tăng cường tính tranh tụng trong quá trình giải quyết vụ án hình sự”.

Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 02/01/2002 của Bộ Chính trị là văn kiện đầu tiên của Đảng đề ra định hướng xây dựng mô hình tố tụng hình sự Việt Nam có yếu tố tranh tụng, theo đó đã xác định nhiệm vụ trọng tâm của công tác tư pháp là “Khi xét xử, các toà án phải bảo đảm cho mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, thực sự dân chủ, khách quan; thẩm phán và hội thẩm độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; việc phán quyết của toà án phải căn cứ chủ yếu vào kết quả tranh tụng tại phiên toà, trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện các chứng cứ, ý kiến của kiểm sát viên, của người bào chữa, bị cáo, nhân chứng, nguyên đơn, bị đơn và những người có quyền, lợi ích hợp pháp để ra những bản án, quyết định đúng pháp luật, có sức thuyết phục và trong thời hạn quy định”.

Theo đó, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 đã thể chế hóa một bước chủ trương đường lối lối cải cách tư pháp của Đảng được thể hiện trong Nghị quyết số 08-NQ/TW. Vì vậy, toàn văn đạo luật cho dù vẫn khắc họa mô hình tố tụng hình sự với những đặc điểm của hệ thống tố tụng thẩm vấn hết sức đậm nét, nhưng cũng đã chú trọng xây dựng các quy định mang yếu tố tranh tụng, trên cơ sở tiếp thu có chọn lọc những nhân tố tích cực từ mô hình tố tụng tranh tụng theo pháp luật Anh - Mỹ, hoạt động tranh tụng trong mô hình tố tụng Châu Âu lục địa và Liên bang Nga phù hợp với điều kiện của Việt Nam.

Đến Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị đã định hướng việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật về tổ chức và hoạt động của các thiết chế trong hệ thống chính trị phù hợp với yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân; trong đó tiếp tục chủ trương hoàn thiện mô hình tố tụng hình sự Việt Nam theo hướng “Bảo đảm chất lượng tranh tụng tại các phiên toà xét xử, lấy kết quả tranh tụng tại toà làm căn cứ quan trọng để phán quyết bản án, coi đây là khâu đột phá để nâng cao chất lượng hoạt động tư pháp”. Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/06/2005 của Bộ Chính trị tiếp tục khẳng định “Đổi mới việc tổ chức phiên tòa xét xử, xác định rõ hơn vị trí, quyền hạn, trách nhiệm của người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng theo hướng bảo đảm tính công khai, dân chủ, nghiêm minh; nâng cao chất lượng tranh tụng tại các phiên tòa xét xử…”.

Trước đây, tính tranh tụng chỉ được thực hiện trong quá trình xét xử tại Tòa án giữa Viện kiểm sát và những người tham gia tố tụng nên kết quả, chất lượng tranh tụng chưa cao; trong một số vụ án việc giải quyết phụ thuộc chủ yếu vào tài liệu, chứng cứ thu thập được trong quá trình điều tra, dẫn đến việc giải quyết chưa chính xác, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của những người tham gia tố tụng. Nay, nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập này, cũng như tiếp thu tinh thần cải cách tư pháp và quy định tại Khoản 5 Điều 103 Hiến pháp năm 2013 về nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được bảo đảm, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã bổ sung nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được bảo đảm. Mặc dù điều luật có tên gọi là “Tranh tụng trong xét xử được bảo đảm” nhưng nội dung điều luật thì không chỉ giới hạn sự tranh tụng trong giai đoạn xét xử hoặc tại phiên tòa mà được mở rộng từ khi khởi tố. Theo đó, trong quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, Điều tra viên, Kiểm sát viên, người khác có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người bị buộc, người bào chữa và người tham gia tố tụng khác đều có quyền bình đẳng trong việc đưa ra chứng cứ, đánh giá chứng cứ, đưa ra yêu cầu để làm rõ sự thật khách quan của vụ án. Như vậy, có thể thấy Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã quy định rõ mối quan hệ, vị trí giữa những người tiến hành tố tụng và những người tham gia tố tụng trong việc đưa ra chứng cứ, đánh giá chứng cứ, đưa ra yêu cầu để làm rõ sự thật khách quan của vụ án là bình đẳng, đây là tiền đề quan trọng để các chủ thể thực hiện hoạt động tranh tụng bảo vệ quan điểm, quyền lợi của mình khi tham gia tố tụng. Có thể nói chỉ trên cơ sở bình đẳng trong việc đưa ra chứng cứ, đánh giá chứng cứ thì hoạt động tranh tụng mới đảm bảo chất lượng, tính thực thi.

Ngoài ra, cũng trên tinh thần tiếp thu các quan điểm của Đảng về cải cách tư pháp và những nhân tố tích cực của mô hình tố tụng tranh tụng các nước vào điều kiện phù hợp của nước ta, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 đã tiếp tục sửa đổi, bổ sung các nguyên tắc cơ bản nhằm tăng cường tính tranh tụng trong quá trình giải quyết các vụ án hình sự, như: Nguyên tắc suy đoán vô tội; Nguyên tắc bảo đảm quyền bào chữa của người bị buộc tội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị hại, đương sự; Nguyên tắc Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; Nguyên tắc Tòa án xét xử kịp thời, công bằng, công khai; Nguyên tắc kiểm tra, giám sát trong tố tụng hình sự; Những quy định mới về phòng xử án…

Như vậy, Bộ luật tố tụng hình sự 2015 đã thể chế hóa các quan điểm của Đảng về hoàn thiện mô hình tố tụng hình sự Việt Nam nhằm tăng cường tính tranh tụng phù hợp với các đặc điểm về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội và truyền thống pháp lý của Việt Nam, từ đó góp phần đảm bảo nhiệm vụ của hoạt động đấu tranh phòng, chống tội phạm nhưng đồng cũng đã thời bảo vệ và bảo đảm có hiệu quả hơn các quyền con người, quyền công dân trong quá trình giải quyết vụ án hình sự theo tinh thần cải cách tư pháp của Đảng ta hiện nay./.


Các tin khác