TIN MỚI NHẤT

Chứng cứ và chứng minh trong Bộ Luật tố tụng hình sự năm 2015

Chứng cứ và chứng minh là vấn đề quan trọng, mang tính mấu chốt trong suốt quá trình từ khởi tố, điều tra, truy tố đến xét xử vụ án hình sự. Quá trình giải quyết vụ án hình sự thực chất là quá trình thu thập, kiểm tra, đánh giá chứng cứ để giải quyết các vấn đề trong vụ án hình sự. Vì vậy, nhằm bảo đảm quyền con người, đặc biệt là quyền của người bị buộc tội và bảo đảm tranh tụng trong tố tụng hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2015 có những sửa đổi bổ sung quan trọng so với BLTTHS năm 2003, một trong số những điểm mới đáng chú ý là các quy định về chế định chứng cứ và chứng minh. Trong mối quan hệ hữu cơ đó, các quy định về chứng cứ và chứng minh đóng vai trò như một phương thức hay giải pháp giúp cho tố tụng hình sự vận hành theo đúng tinh thần bảo đảm quyền con người và bảo đảm tranh tụng.

Một số điểm mới về chứng cứ và nguồn chứng cứ

Theo Điều 86 BLTTHS năm 2015: “Chứng cứ là những gì có thật, được thu thập theo một trình tự, thủ tục do bộ luật này quy định, được dùng làm căn cứ để xác định có hay không có hành vi phạm tội, người thực hiện hành vi phạm tội cũng như những tình tiết khác có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án”. Nếu so sánh với Điều 64 của BLTTHS năm 2003 thì định nghĩa chứng cứ này đã bỏ các chủ thể sử dụng chứng cứ để xác định sự thật vụ án ra khỏi định nghĩa về chứng cứ, bao gồm Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án. Việc sửa đổi này là cần thiết bởi cho thấy hoạt động chứng minh không phải chỉ có cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện, đương nhiên chỉ có cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng mới sử dụng những gì được coi là chứng cứ để giải quyết vụ án. Với định nghĩa pháp lý về chứng cứ như vậy đảm bảo sự bình đẳng cho các bên tranh tụng trong tố tụng hình sự tham gia vào hoạt động thu thập, kiểm tra, đánh giá chứng cứ.

Đối với nguồn chứng cứ, BLTTHS năm 2015 vẫn kế thừa tư tưởng phân biệt rạch ròi giữa chứng cứ với nguồn chứng cứ. Điểm mới trước hết về mặt kỹ thuật lập pháp, đó là có sự quy định rõ tên gọi '‘Nguồn chứng cứ". Việc quy định rõ tên gọi “Nguồn chứng cứ” và được tách ra thành một điều luật riêng (Điều 87) sẽ giúp phân biệt giữa nguồn chứng cứ với chứng cứ mà từ lâu đã được bàn luận ở góc độ khoa học. Điểm mới thứ hai là việc bổ sung một số nguồn chứng cứ mới đã tồn tại phố biến trong thực tiễn chứng minh vụ án, bao gồm: Dữ liệu điện tử (Điểm c Điều 87), kết luận định giá tài sản (Điểm d Điều 87), kết quả thực hiện ủy thác tư pháp và hợp tác quốc tế khác (Điểm e Điều 87). Việc bổ sung này là hợp lý và cần thiết nhằm làm chấm dứt những tranh luận về tính hợp pháp của những chứng cứ được rút ra từ những nguồn trên, đồng thời mở rộng khả năng thu thập, sử dụng chứng cứ cho các chủ thể trong quá trình chứng minh vụ án hình sự.

Chứng minh - thu thập chứng cứ

Hoạt động thu thập chứng cứ của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng (Khoản 1 Điều 88), để đảm bảo thu thập chứng cứ theo Khoản 1 Điều 88, ngoài những quy định chung về thu thập chứng cứ bằng các biện pháp điều tra, xét hỏi theo quy định tại các điều luật liên quan của BLTTHS, điểm đáng chú ý trong quy định của BLTTHS năm 2015 là cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng thu thập chứng cứ theo đề nghị của người bào chữa. Cụ thể, người bào chữa còn có quyền đề nghị các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng thu thập chứng cứ, giám định bổ sung, giám định lại, định giá lại tài sản (Điểm k Khoản 1 Điều 73). Đây là trường hợp mà người bào chữa không thể tự mình thu thập chứng cứ. Hoạt động thu thập chứng cứ do cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng thực hiện nhưng theo đề nghị của người bào chữa. Điểm mới đáng kể nhất trong hoạt động thu thập chứng cứ của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng theo BLTTHS năm 2015 là quyền tiến hành các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt (Điều 223) bao gồm: Ghi âm, ghi hình bí mật; nghe điện thoại bí mật; thu thập bí mật dữ liệu điện tử. Quy định này mở rộng khả năng thu thập chứng cứ của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng nhằm đáp ứng yêu cầu phòng chống tội phạm nguy hiểm cao, tội phạm có tổ chức trong tình hình mới và cũng được nhiều nước trên thế giới áp dụng.

Hoạt động thu thập chứng cứ của người bào chữa, BLTTHS năm 2015 bổ sung quyền tự thu thập chứng cứ của người bào chữa (Khoản 1 Điều 73, Khoản 2 Điều 88). Đó là quyền gặp những người tham gia tố tụng, những người khác biết về vụ án để hỏi, nghe họ trình bày về những vấn đề liên quan đến vụ án. Những gì người bào chữa thu thập qua các cách thức này đều được thừa nhận là chứng cứ. BLTTHS năm 2003 cũng quy định quyền này của người bào chữa (Điểm d Khoản 2 Điều 58) nhưng còn hạn chế ở việc chưa thừa nhận đó là thủ tục hợp pháp trong thu thập chứng cứ mà chỉ là quyền thu thập nguồn chứng cứ (tài liệu, đồ vật, tình tiết).

Đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác đang sở hữu các nguồn chứng cứ (tại liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử) thì người bào chữa có quyền đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân đó cung cấp để người bào chữa tự thu thập chứng cứ từ những nguồn đó. Với quy định này, người bào chữa có cơ sở pháp lý để tự mình thu thập chứng cứ từ lời trình bày của những người tham gia tố tụng và từ các nguồn chứng cứ do các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác cung cấp theo đề nghị của người bào chữa. Bổ sung quyền thu thập chứng cứ cũng như những đảm bảo cho người bào chữa thu thập chứng cứ thể hiện rõ nỗ lực trong hoạt động lập pháp đối với yêu cầu bảo đảm quyền bào chữa và bảo đảm tranh tụng trong tố tụng hình sự.

Kiểm tra, đánh giá chứng cứ

Hoạt động kiểm tra, đánh giá chứng cứ nhằm xác định tính xác thực, độ tin cậy và giá trị của các chứng cứ đã thu thập được; khả năng sử dụng chứng cứ này hay chứng cứ khác trong hệ thống chứng cứ để chứng minh vụ án hình sự; xác định tính chất, ý nghĩa và mức độ liên quan giữa chứng cứ được sử dụng với các chứng cứ khác; giá trị của từng chứng cứ đối với việc chứng minh các vấn đề cần phải chứng minh trong vụ án; hướng sử dụng hoặc tiếp tục sử dụng chứng cứ.

So với quy định của BLTTHS năm 2003, BLTTHS năm 2015 có bổ sung hoạt động “kiểm tra” chứng cứ bên cạnh đánh giá chứng cứ. Kiểm tra chứng cứ là để xác định xem chứng cứ đó có đảm bảo các thuộc tính khách quan, tính liên quan và tính hợp pháp của chứng cứ không. Ở giai đoạn xét xử, chứng cứ dùng làm căn cứ để giải quyết vụ án (ra bản án, quyết định) bắt buộc phải kiểm tra trực tiếp, công khai trước khi sử dụng. Đánh giá từng chứng cứ để xác định giá trị chứng minh của chứng cứ trong từng vụ án cụ thể. Đánh giá tổng hợp chứng cứ là xác định tính cần và đủ của hệ thống các chứng cứ đủ để xác định sự thật khách quan vụ án hình sự và giải quyết vụ án hình sự.

Như vậy, BLTTHS năm 2015 đã có những sửa đổi, bổ sung quan trọng liên quan đến các quy định về chứng cứ và chứng minh. Những quy định mới này không chỉ tạo thuận lợi cho các chủ thể trong quan hệ pháp luật tố tụng hình sự tham gia vào hoạt động chứng minh mà còn góp phần tạo ra sự cân bằng trong hoạt động chứng minh vụ án hình sự giữa các bên tranh tụng. Ngoài ra, những quy định mới về chứng cứ và chứng minh còn thể hiện được tính mới, tính thời đại của BLTTHS năm 2015./.


Các tin khác