TIN MỚI NHẤT

CHỦ THỂ CỦA TỘI NHẬN HỐI LỘ VÀ MỘT SỐ VẤN ĐỀ CẦN HOÀN THIỆN

Tội phạm tham nhũng, nhận hối lộ đang diễn ra và tồn tại ở hầu hết các quốc gia trên thế giới. Ở mỗi quốc gia khác nhau thì quy mô, tính chất tham nhũng, hối lộ cũng khác nhau. Nước ta hiện nay, tội phạm về tham nhũng, nhận hối lộ diễn ra hết sức phức tạp và đang có chiều hướng gia tăng, đã làm cản trở lớn trong việc thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Tham nhũng, hối lộ đã làm thoái hóa phẩm chất đạo đức của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, làm mất lòng tin của Nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, kéo lùi sự phát triển của đất nước. Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta đã và đang kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, hối lộ; do đó, một trong sáu nhóm nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ Đại hội lần thứ XII của Đảng ta là đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Trên tinh thần đó, BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) đã tiếp tục hoàn thiện các quy định về nhóm tội phạm tham nhũng, quy định hành vi tham nhũng trong lĩnh vực tư; theo đó, tội nhận hối lộ cũng được sửa đổi, bổ sung nhằm đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Theo Điều 354 BLHS năm 2015 về tội nhận hối lộ quy định: “Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc thông qua trung gian nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào sau đây cho chính bản thân người đó hoặc cho người hoặc tổ chức khác để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ…”. Như vậy, đối với tội nhận hối lộ các dấu hiệu thuộc về chủ thể là dấu hiệu đặc trưng để xác định hành vi phạm tội, là dấu hiệu phân biệt sự khác nhau giữa tội nhận hối lộ với các tội phạm khác.

Trước hết, người phạm tội nhận hối lộ phải là người có chức vụ, quyền hạn. Khoa học luật hình sự Việt Nam gọi đây là chủ thể đặc biệt của tội phạm. Đó là chủ thể mà ngoài hai đặc điểm là có năng lực trách nhiệm hình sự và đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự còn đòi hỏi phải có thêm đặc điểm về nhân thân thì mới có thể thực hiện được hành vi phạm tội được mô tả trong cấu thành tội phạm. Theo đó, người có chức vụ là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện một nhiệm vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện công vụ, nhiệm vụ.

Mặt khác, người có chức vụ, quyền hạn phải liên quan trực tiếp đến việc giải quyết yêu cầu của người đưa hối lộ. Người có chức vụ, quyền hạn nhưng không có thẩm quyền trực tiếp giải quyết yêu cầu của người đưa hối lộ thì không phải chủ thể của tội phạm này. Những yêu cầu đó có thể là những yêu cầu về lợi ích vật chất hoặc phi vật chất của người đưa hối lộ. Nếu có chức vụ, quyền hạn khi giải quyết yêu cầu cho người khác để nhận tiền hoặc lợi ích khác của họ, nhưng không phải là thực hiện công vụ, nhiệm vụ thì không phải là nhận hối lộ.

Ngoài ra, đối với dấu hiệu chủ thể của tội nhận hối lộ, điểm mới của BLHS 2015 là đã tội phạm hóa hành vi nhận hối lộ ở cả lĩnh vực tư. Như vậy, chủ thể của tội nhận hối lộ không chỉ là người có chức vụ, quyền hạn trong bộ máy Nhà nước mà còn là người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước, công chức nước ngoài, công chức của các tổ chức quốc tế công.

Tuy nhiên, một số vấn đề về chủ thể của tội nhận hối lộ theo quy định của pháp luật hình sự Việt Nam hiện hành cũng cần tiếp tục nghiên cứu làm sáng tỏ hơn về mặt khoa học để đưa ra các giải pháp nhằm hoàn thiện pháp luật, nâng cao hiệu quả áp dụng pháp luật hình sự về tội nhận hối lộ. Đặc biệt, trong thực tiễn xét xử, vẫn còn tồn tại một số trường hợp các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng hoặc người tham gia tố tụng gặp vướng mắc trong việc xác định chủ thể của tội nhận hối lộ; hơn nữa, trong bối cảnh kinh tế tư nhân đang ngày càng phát triển và giữ vị trí then chốt trong nền kinh tế quốc dân, cũng như nhằm đáp ứng những đòi hỏi nội tại của Việt Nam hiện nay trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, bảo đảm sự tương thích với các yêu cầu của Công ước quốc tế chống tham nhũng. Vì vậy, cần tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện hơn một số vấn đề về chủ thể của tội nhận hối lộ, như sau:

Thứ nhất, tách hành vi nhận hối lộ trong lĩnh vực công và nhận hối lộ trong lĩnh vực tư thành 2 tội danh khác nhau chứ không ghép chung một điều luật, một tội danh như BLHS năm 2015. Vì, người có chức vụ quyền hạn và có thẩm quyền giải quyết yêu cầu của người đưa hối lộ trong hai lĩnh vực này cũng có những đặc trưng riêng; đồng thời mức độ nguy hiểm cho xã hội cũng khác nhau nên cần tách thành hai điều luật, hai tội danh để xác định những hấu hiệu pháp lý riêng, có những khung hình phạt riêng phù hợp, chứ không thể có mức hình phạt như nhau.

Thứ hai, cần quy định hoặc ban hành văn bản hướng dẫn người có chức vụ do một hình thức khác là hình thức nào? Bởi lẻ, người có chức vụ do bổ nhiệm, do bầu cử, do hợp đồng thì đã được quy định cụ thể tại các luật, văn bản luật khác; tuy nhiên, người có chức vụ do một hình thức khác theo như quy định hiện hành là chưa cụ thể và rõ ràng, dễ dẫn đến áp dụng tùy tiện và gây tranh cãi như trong quá trình áp dụng luật trong thời gian vừa qua.

Thứ ba, ban hành văn bản xác định rõ giới hạn người có chức vụ, quyền hạn trong lĩnh vực tư nhằm xác định rõ chủ thể của tội nhận hối lộ trong lĩnh vực tư, để phân biệt với các tội phạm khác. Bởi vì, theo khái niệm chức vụ, về cơ bản BLHS năm 2015 vẫn giữ nguyên như BLHS năm 1999 nhưng có bổ sung thêm cụm từ “nhiệm vụ” nhằm mở rộng phạm vi chủ thể chịu trách nhiệm hình sự không những trong lĩnh vực công mà còn trong lĩnh vực tư. Theo đó, những người giữ chức danh, chức vụ quản lý trong doanh nghiệp, tổ chức; những người được giao thực hiện nhiệm vụ và có quyền hạn trong khi thực hiện nhiệm vụ đó. Những người này khi đã hoặc sẽ nhận tiền, tài sản hoặc bất kỳ một lợi ích nào để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường, uy tín của pháp nhân, tổ chức tư mà họ đại diện thì là chủ thể của tội nhận hối lộ.

Thiết nghĩ, những nỗ lực của nước ta trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong thời gian qua đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận trong khuôn khổ thực thi Công ước Liên Hợp quốc về chống tham nhũng mà Việt Nam là thành viên, đặt biệt là đã tội phạm hóa hành vi nhận hối lộ trong lĩnh vực tư được xem là một trong những giải pháp quan trọng để phòng ngừa và đấu tranh có hiệu quả các hành vi nhận hối lộ nói riêng, trong công tác phòng chống tham nhũng nói chung. Vì vậy, trong thời gian tới cần nghiên cứu ban hành văn bản quy định, hướng dẫn cụ thể hơn về các dấu hiệu đặc trưng chủ thể của tội nhận hối lộ là cần thiết nhằm bảo đảm cho việc áp dụng pháp luật được hiệu lực, hiệu quả./.


Các tin khác