TIN MỚI NHẤT

Một số kết quả trong công tác phòng, chống tham nhũng quý I năm 2020 trên địa bàn tỉnh Bình Thuận

Trong quý I năm 2020, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy, chính quyền, các sở, ban, ngành, đoàn thể tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện các văn bản của Trung ương về phòng, chống tham nhũng và kết luận của Tỉnh ủy về tổng kết công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng năm 2019 và nhiệm vụ trọng tâm năm 2020.

Công tác tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống tham nhũng được đẩy mạnh, trong quý I/2020, cấp ủy các địa phương, các ngành liên quan đã mở 57 lớp có 3.926 lượt cán bộ, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân tham dự, phát hành 1.100 tài liệu, tờ rơi tuyên truyền về phòng, chống tham nhũng. Đồng thời, thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa Báo Bình Thuận, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh với Ban Nội chính Tỉnh ủy trong việc đưa tin bài về công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng; đã đưa 150 tin, bài, phóng sự tuyên truyền về công tác nội chính, phòng chống tham nhũng.

Việc thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả, trong kỳ toàn tỉnh đã có 11 cán bộ, công chức, viên chức được chuyển đổi vị trí công tác nhằm thực hiện giải pháp phòng ngừa tham nhũng.

Với chức năng, nhiệm vụ Ban Nội chính Tỉnh ủy đã kịp thời tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy 06 văn bản chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy theo dõi, chỉ đạo; kiểm tra công tác phòng, chống tham nhũng năm 2019 tại một số cấp ủy đảng và đảng viên... Đồng thời, chủ trì 02 cuộc họp để nghe các cơ quan tiến hành tố tụng báo cáo những khó khăn vướng mắc, đề ra hướng xử lý đối với các vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế; đồng thời báo cáo, tham mưu Thường trực Tỉnh ủy theo dõi, chỉ đạo.

Đối với công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, các ngành tiếp tục thụ lý, giải quyết 10 vụ/25 người có hành vi tham nhũng (năm 2019 chuyển sang) với tổng thiệt hại 10,292 tỷ đồng; đã thu hồi 6,246 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 60,7%, so với cùng kỳ năm 2019 (11,9%) tỷ lệ thu hồi tăng 48,8 %. Đến nay, đã xét xử xong 02 vụ/08 bị cáo với tổng mức án 12 năm 6 tháng tù giam và 05 năm tù treo và đang tiếp tục xử lý 08 vụ/17 người.

Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh các ngành đang thụ lý, giải quyết 06 vụ/12 người sai phạm kinh tế, chức vụ (năm 2019 chuyển sang) với thiệt hại 8,99 tỷ đồng, 581.101 m2 đất; đã thu hồi 46,15 triệu đồng, tỷ lệ 0,5 %. Đến nay, tạm đình chỉ điều tra 01 vụ/0 bị can; đang điều tra 02 vụ/07 người; đang thụ lý xét xử 03 vụ/04 bị cáo.

Nhìn chung các cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, đơn vị đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện khá tốt chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy về công tác phòng, chống tham nhũng đạt được những kết quả tích cực, nổi rõ là: tổ chức hội nghị tổng kết đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng năm 2019; xây dựng kế hoạch công tác phòng, chống tham nhũng năm 2020; kế hoạch kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống tham nhũng năm 2020. Đồng thời, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực các huyện, thị, thành ủy thực hiện tốt chế độ họp định kỳ, đột xuất để nghe và cho ý kiến chỉ đạo kịp thời về công tác phòng, chống tham nhũng.

Tuy nhiên, sự lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng của một số cấp ủy cơ quan, đơn vị, địa phương chưa kịp thời, vẫn còn 27 cơ quan, đơn vị chưa xây dựng kế hoạch công tác phòng, chống tham nhũng năm 2020. Việc xử lý một số vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế còn chậm so với yêu cầu chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; công tác giám định thiệt hại về tài sản, về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất...còn nhiều vướng mắc làm ảnh hưởng đến tiến độ điều tra, xử lý vụ án.

Do đó, để đạt được mục tiêu trong công tác phòng, chống tham nhũng trong thời gian tới, các cấp ủy, chính quyền, các cơ quan khối nội chính, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội trong tỉnh cần tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ chủ yếu như:

Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Trung ương về công tác phòng, chống tham nhũng; trong đó, chú trọng nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và nhân dân bằng nhiều hình thức để không ngừng nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm trong việc tham gia đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

 Chỉ đạo đẩy mạnh xây dựng và hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế - xã hội, phòng, chống tham nhũng, tiếp tục hoàn thiện cơ chế phòng ngừa để “không thể tham nhũng” theo Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, nhất là chỉ đạo xây dựng các quy định về kiểm soát quyền lực, trách nhiệm người đứng đầu; về cơ chế khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.... Đồng thời, giải quyết thật tốt đơn thư khiếu nại, tố cáo, nhất là đơn thư tố cáo hành vi tham nhũng, tiêu cực; giữ bí mật và bảo vệ người tố cáo theo quy định pháp luật.

Tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm toán nhất là cần tập trung các lĩnh vực nhạy cảm dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực như:  các dự án đầu tư lớn, quản lý ngân sách, quản lý các quỹ, quản lý, sử dụng đất đai, quản lý các dự án, xây dựng cơ bản, công tác cán bộ, công tác thi hành án, thu phí, lệ phí... Thường xuyên tự kiểm tra nội bộ để ngăn ngừa, phòng chống tham nhũng, lãng phí.

Tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ, xử lý dứt điểm các vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế còn tồn đọng, nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm trên địa bàn, lĩnh vực trọng điểm, tạo chuyển biến mạnh mẽ, đồng bộ hơn nữa công tác phòng, chống tham nhũng ở các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị, địa phương; ngăn chặn và xử lý có hiệu quả tình trạng “tham nhũng vặt”; nâng cao hiệu quả công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng, kinh tế.

Thực hiện nghiêm chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng tại phiên họp thứ 17 của Ban Chỉ đạo: “Trong xử lý cán bộ, đảng viên sai phạm về tham nhũng, kinh tế phải tiến hành đồng bộ, kịp thời, nghiêm minh giữa kỷ luật Đảng, kỷ luật hành chính của Nhà nước và xử lý hình sự. Kỷ luật của Đảng phải thực hiện trước, là tiền đề để xử lý kỷ luật hành chính của Nhà nước và xử lý hình sự”.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và đoàn thể các cấp, các cơ quan thông tin truyền thông, Báo, Đài đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phát hiện, đấu tranh ngăn chặn hành vi tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; tham gia giám sát công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; cổ vũ động viên, phổ biến nhân rộng điển hình tiên tiến về phòng, chống tham nhũng, lãng phí và thực hành tiết kiệm./.


Các tin khác