TIN MỚI NHẤT

Nâng cao trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước, góp phần phòng, chống tham nhũng, lãng phí

Trách nhiệm giải trình thường gắn với những vụ việc cụ thể liên quan đến trách nhiệm công vụ đã và đang được thực hiện. Do đó, trách nhiệm giải trình rất có ý nghĩa cho việc ngăn chặn, phòng ngừa các hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn vì động cơ vụ lợi. Trách nhiệm giải trình của cán bộ, công chức, người có thẩm quyền không chỉ là trách nhiệm giải trình việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ mà còn bao gồm cả giải trình về nguồn gốc tài sản, gắn liền với việc công khai tài sản, thu nhập bởi lẽ “quy định về công khai thu nhập, tài sản là một lời nhắc nhở hiệu quả đối với các công chức về bảo đảm trách nhiệm giải trình đi kèm với chức trách”.

Thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều, chính sách, pháp luật cả về phòng ngừa và phát hiện, xử lý tham nhũng, lãng phí, như: Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTN, lãng phí”, Kết luận số 21-KL/TW của Hội nghị Trung ương 5 (khóa XI) về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X), Luật PCTN năm 2005 (được sửa đổi, bổ sung các năm 2007, 2012), Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí... các văn kiện này đã nêu bật quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước đối với công tác PCTN, lãng phí, đó là phải: vừa tích cực chủ động phòng ngừa, vừa kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, trong đó lấy phòng ngừa là chính.

Thể chế hóa chủ trương, quan điểm của Đảng, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCTN được Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 23-11-2012 đã bổ sung Điều 32a quy định về trách nhiệm giải trình:“Khi có yêu cầu, cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải giải trình về quyết định, hành vi của mình trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao trước cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền, lợi ích hợp pháp bị tác động trực tiếp bởi quyết định, hành vi đó”.

Ngày 08/8/2013, Chính phủ ban hành Nghị định số 90/2013/NĐ-CP quy định trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Theo quy định của Nghị định:

Các cơ quan hành chính nhà nước, các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc cơ quan hành chính nhà nước và người có thẩm quyền trong việc thực hiện trách nhiệm giải trình, có trách nhiệm cung cấp, giải thích, làm rõ các thông tin về thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao và trách nhiệm của mình trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đó cho người có quyền yêu cầu giải trình, là cơ quan, tổ chức, cá nhân có yêu cầu cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền giải trình về những nội dung liên quan đến việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình. Cá nhân yêu cầu giải trình phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ hoặc thông qua người đại diện hợp pháp; cơ quan, tổ chức yêu cầu giải trình phải thông qua người đại diện hợp pháp; nội dung yêu cầu giải trình liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân có yêu cầu giải trình; nội dung yêu cầu giải trình thuộc phạm vi trách nhiệm quản lý của cơ quan được yêu cầu.

Yêu cầu giải trình được thực hiện bằng văn bản hoặc trực tiếp tại cơ quan nhà nước có trách nhiệm giải trình.

Ngoài các trường hợp nêu trên, khi giải trình trực tiếp, người giải trình có quyền từ chối giải trình trong các trường hợp sau đây: người yêu cầu giải trình đang trong tình trạng không kiểm soát được hành vi do dùng rượu, bia hoặc chất kích thích khác; người được ủy quyền, người đại diện không có giấy tờ hợp pháp theo quy định của pháp luật; người yêu cầu giải trình có hành vi gây rối trật tự, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người giải trình.

Việc nâng cao trách nhiệm, thái độ phục vụ nói chung, trách nhiệm giải trình nói riêng của các cơ quan nhà nước cũng như của đội ngũ cán bộ, công chức là hết sức cần thiết trong công tác PCTN, lãng phí hiện nay.

Bởi vì, nâng cao trách nhiệm giải trình cũng có nghĩa là tăng cường tính công khai, minh bạch, trách nhiệm của nền hành chính, của hoạt động công vụ, góp phần phòng ngừa tham nhũng, lãng phí. Đây chính là một trong những giải pháp mang tính căn cơ, hữu hiệu và bền vững để PCTN, lãng phí.

Bên cạnh đó, việc thực hiện trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước còn là cơ sở để phát huy vai trò giám sát của xã hội đối với hoạt động của bộ máy hành  chính nhà nước và đội ngũ cán bộ, công chức. Đồng thời, dễ dàng hơn cho cơ quan, tổ chức và công dân trong việc tiếp cận với các thông tin, quyết định quản lý của cơ quan nhà nước.

Việc nâng cao trách nhiệm giải trình cũng góp phần tăng cường sự đối thoại, hiểu biết giữa các cơ quan nhà nước với người dân, xã hội, góp phần xây dựng mối quan hệ thân thiện, cởi mở hơn giữa các cơ quan công quyền với cộng đồng doanh nghiệp và người dân.

Đặc biệt, làm tốt việc giải trình của cơ quan nhà nước còn góp phần hạn chế tình trạng khiếu nại, tố cáo./.


Các tin khác