Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng, lãng phí được đẩy mạnh. Các biện pháp phòng ngừa tham nhũng được triển khai đồng bộ, tích cực hơn; công khai, minh bạch trong hoạt động; kê khai tài sản, thu nhập; cải cách thủ tục hành chính; chuyển đổi vị trí công tác… tiếp tục được đẩy mạnh một cách toàn diện. Lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương thường xuyên quán triệt, nhắc nhở cán bộ, công chức, viên chức thực hiện nghiêm Chỉ thị số 27-CT/TU, ngày 01/10/2012 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc “Nâng cao trách nhiệm và chấn chỉnh tác phong, giờ giấc làm việc, ý thức chấp hành của cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh. Công tác kiểm tra được tăng cường; công tác thanh tra của chính quyền, công tác giám sát của HĐND tích cực hơn giúp công tác lãnh đạo, chỉ đạo phòng, chống tham nhũng hiệu quả. Công tác phòng, chống tham nhũng gắn với trách nhiệm người đứng đầu có chuyển biến tích cực. Các cơ quan khối nội chính có nhiều tiến bộ trong công tác tham mưu về phòng, chống tham nhũng; hoạt động Ban Nội chính Tỉnh ủy từng bước đi vào chiều sâu, chất lượng được nâng lên.
Các vụ việc, vụ án xảy ra được chỉ đạo xử lý kịp thời, đặc biệt đã tập trung giải quyết, xử lý 05 vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp mà Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng giao Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận theo dõi, chỉ đạo, đến nay đã cơ bản giải quyết xong 05/05 vụ. Toàn tỉnh đã triển khai 61 cuộc thanh tra tại 297 đơn vị; đã kết thúc 38 cuộc tại 249 đơn vị (có 24 cuộc năm 2013 chuyển sang); qua thanh tra đã kết luận phát hiện sai phạm trong quản lý kinh tế 2.088,3 triệu đồng, kiến nghị thu hồi 1.811 triệu đồng. Trong đó, Thanh tra tỉnh đã triển khai và đã kết thúc 04 cuộc thanh tra trách nhiệm người đứng đầu trong việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng.
Công tác phát hiện, xử lý tham nhũng 6 tháng đầu năm 2014 được các cấp, các ngành tiếp tục xem xét, xử lý 19 vụ/ 31 người có hành vi tham nhũng; trong đó, các vụ tồn đọng năm 2013 chuyển qua: 09 vụ/ 16 người; phát hiện mới đưa vào theo dõi: 10 vụ/ 15 người. So cùng kỳ năm 2013, tổng số vụ việc tăng 11 vụ/ 17 người, số vụ mới phát hiện tăng 08 vụ/ 13 người, số vụ đã xét xử tăng 03 vụ/ 11 bị cáo, mức án tăng 509 tháng tù.
Trong 10 vụ mới phát hiện 6 tháng đầu năm thì: Sai phạm trong quản lý tài chính ngân sách: 08 vụ/ 13 người; Đất đai: 01 vụ/ 02 người; Khoáng sản 01 vụ/0 bị can; đối tượng vi phạm đa số là cán bộ nhân viên cấp xã (05 vụ), doanh nghiệp (02 vụ), cấp tỉnh (03 vụ).
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được công tác phòng, chống tham nhũng vẫn còn một số hạn chế, tồn tại như: Tình hình tham nhũng vẫn còn diễn ra phức tạp; tham nhũng vặt nhiều hơn, xảy ra trong lĩnh vực quản lý tài chính, ngân sách nhiều hơn; vi phạm ở cấp cơ sở (xã, phường và công ty) nhiều hơn. Đối tượng vi phạm chủ yếu là người trực tiếp phụ trách tài chính. Có những đơn vị để xảy ra 2 vụ tham nhũng. Trách nhiệm người đứng đầu ở cơ sở chưa được phát huy đầy đủ; công tác kiểm tra và tự kiểm tra vẫn là khâu yếu; còn một số trường hợp xử lý trách nhiệm người đứng đầu chưa kịp thời. Quan điểm, nhận thức, phương pháp về thanh tra, điều tra còn có vấn đề chưa nhất quán.
Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế nêu trên chủ yếu là do: Trách nhiệm và quyết tâm của lãnh đạo một số cấp ủy, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương trong chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí chưa cao, chưa thật sự tích cực chỉ đạo và tổ chức thực hiện triệt để các biện pháp phòng ngừa tham nhũng. Một số cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, đơn vị địa phương chưa chú trọng chỉ đạo công tác thanh tra, kiểm tra nội bộ, nên chưa thật sự ngăn ngừa có hiệu quả tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ từng cơ quan, đơn vị. Các ngành chức năng chưa phát huy đầy đủ vai trò tham mưu giúp cấp uỷ, chính quyền chỉ đạo triển khai thực hiện, kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, thực hành tiết kiệm ở đơn vị, địa phương mình. Công tác phối hợp của các cơ quan chức năng trong một số vụ chưa thật chặt chẽ, nên có vụ việc tiêu cực, tham nhũng xử lý còn kéo dài, chưa đáp ứng yêu cầu phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Để khắc phục những hạn chế và tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, 6 tháng cuối năm 2014, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm sau:
- Các cấp ủy tiếp tục tổ chức quán triệt nghiêm túc Bài phát biểu của đồng chí Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Hội nghị toàn quốc về phòng, chống tham nhũng (ngày 05/5/2013); Thông báo số 369-TBTU, ngày 27/02/2014 của Tỉnh ủy Bình Thuận; Thông báo Kết luận số 415-TB-TB/TU ngày 14/7/2014 của Ban Thường vụ Tỉnh; tập trung triển khai khắc phục yếu kém qua kiểm tra, giám sát, đặc biệt là chú ý vai trò trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy và Thủ trưởng cơ quan; đồng chí Bí thư cấp ủy phải trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí ở cơ quan, đơn vị, địa phương mình phụ trách;
- Tập trung xử lý những vụ việc, vụ án tham nhũng đang tồn đọng; các vụ đã kết thúc điều tra, đôn đốc nhanh chóng đưa ra xét xử; các vụ đang điều tra, đẩy mạnh tiến độ điều tra làm rõ, truy tố, xét xử xong trong quý IV/2014.
- Đôn đốc rà soát các vụ vừa qua để chỉ đạo xử lý trách nhiệm người đứng đầu và việc thu hồi tài sản đã thât thoát.
- Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, lưu ý ở cấp xã, phường, thị trấn, công ty TNHH Một thành viên vốn nhà nước; chú ý trong các các đối tượng phụ trách lĩnh vực tài chính, đất đai.
- Ban Nội chính Tỉnh ủy và các ngành chức năng tổ chức xem xét, rà soát lại công tác phối hợp trong chỉ đạo, xử lý, giải quyết các vụ việc, vụ án tham nhũng và có dấu hiệu tham nhũng./.