Thực hiện nhiệm vụ hệ thống hóa văn bản theo quy định tại Nghị định số 16/2013/NĐ-CP và kế hoạch số 2724/KH-UBND ngày 12/7/2013 của UBND tỉnh, Sở Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với các sở, ngành tổ chức thực hiện việc hệ thống hóa văn bản QPPL do HĐND, UBND tỉnh ban hành từ năm 1976 đến 31/12/2013. Qua công tác phối hợp, Sở Tư pháp đã hoàn thành việc hệ thống hóa văn bản và tham mưu UBND tỉnh công bố kết quả hệ thống hóa kỳ đầu tại Quyết định số 812/QĐ-UBND ngày 12/3/2014 gồm Tập hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND tỉnh ban hành còn hiệu lực đến ngày 31/12/2013 và 04 danh mục văn bản gồm:
- Danh mục tổng hợp các văn bản QPPL của HĐND, UBND tỉnh Bình Thuận thuộc đối tượng hệ thống hóa trong kỳ hệ thống hóa 2009 – 2013: gồm 478 văn bản.
- Danh mục văn bản QPPL của HĐND, UBND tỉnh Bình Thuận hết hiệu lực toàn bộ hoặc một phần trong kỳ hệ thống hóa 2009 – 2013: gồm 753 văn bản hết hiệu lực toàn bộ và 32 văn bản hết hiệu lực một phần.
- Danh mục văn bản QPPL của HĐND, UBND tỉnh Bình Thuận còn hiệu lực trong kỳ hệ thống hóa 2009 – 2013: gồm 442 văn bản.
- Danh mục văn bản QPPL của HĐND, UBND tỉnh Bình Thuận cần sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc ban hành mới trong kỳ hệ thống hóa 2009 – 2013: gồm 75 văn bản.
Để công bố công khai kết quả hệ thống hóa văn bản một cách rộng rãi và tạo điều kiện cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong công tác tra cứu, áp dụng văn bản QPPL vào giải quyết công việc một cách nhanh chóng, kịp thời, chính xác, Sở Tư pháp đã đề xuất UBND tỉnh phương án thực hiện việc công bố kết quả hệ thống hóa văn bản QPPL trên trang thông tin điện tử của UBND, cơ quan tư pháp và các cơ quan chuyên môn khác thuộc UBND.
Sự đổi mới trong cách thức công bố kết quả hệ thống hóa:
Từ khi thành lập tỉnh từ năm 1976 đến nay, để thực hiện chức năng quản lý nhà nước tại địa phương, HĐND, UBND các cấp đã ban hành một số lượng văn bản QPPL rất lớn. Số lượng văn bản lớn, quy định về nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau; nhiều quy định còn chồng chéo, mâu thuẫn nhau; tình trạng văn bản hết hiệu lực nhưng không được công bố công khai, rộng rãi nên rất khó cho các tổ chức, cá nhân cũng như chính các cơ quan nhà nước trong việc tiếp cận, tra cứu, áp dụng văn bản. Để có thể nắm bắt được những thông tin đang tìm kiếm, người sử dụng sẽ cần đến một nguồn hệ thống thông tin không chỉ được tập hợp đầy đủ về số lượng mà còn phải được sắp xếp một cách khoa học, có tính hệ thống.
Trên cơ sở quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân năm 2004; Nghị định số 91/2006/NĐ-CP, năm 2007, việc hệ thống hóa văn bản tại cấp tỉnh được thực hiện với việc công bố Tập hệ thống hóa các văn bản còn hiệu lực của HĐND, UBND tỉnh và các danh mục văn bản được sắp xếp một cách khoa học theo từng lĩnh vực cụ thể, theo thứ bậc hiệu lực, thời gian ban hành đã giúp cho việc tra cứu văn bản được thuận lợi hơn. Ngoài ra, hoạt động hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật giúp tăng cường tính công khai, minh bạch của hệ thống pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác xây dựng, áp dụng và thi hành pháp luật đạt hiệu quả.
Tuy nhiên, trong các lần hệ thống trước đây việc công bố kết quả hệ thống hóa văn bản được thực hiện bằng hình thức phát hành tập văn bản giấy. Nhiều Tập hệ thống hóa văn bản sau khi được phát hành, trong thời gian ngắn, đã trở nên lạc hậu, thiếu chính xác vì tình trạng hiệu lực của văn bản đã thay đổi khiến cho giá trị ứng dụng của Tập hệ thống hóa văn bản bị hạn chế dẫn đến hiệu quả tra cứu, áp dụng không cao.
So với việc công bố kết quả hệ thống hóa văn bản bằng hình thức phát hành tập văn bản giấy thì việc công bố kết quả hệ thống hóa văn bản trên các trang thông tin điện tử có tính ưu việt hơn. Việc công bố kết quả hệ thống hóa văn bản trên trang thông tin điện tử của UBND, cơ quan tư pháp và các cơ quan chuyên môn khác thuộc UBND vừa bảo đảm tính công khai, minh bạch, vừa giúp tra cứu, khai thác nhanh. Chỉ trong trường hợp cần thiết, cơ quan rà soát văn bản mới phát hành Tập hệ thống hóa văn bản bằng hình thức văn bản giấy để phục vụ nhu cầu thực tiễn.
Bên cạnh đó, việc công bố kết quả hệ thống hóa văn bản trên trang thông tin điện tử còn giúp tiết kiệm chi ngân sách nhà nước cho việc in ấn tập hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật còn hiệu lực và giúp cho việc sửa đổi, bổ sung, thay thế, ban hành mới văn bản QPPL của HĐND, UBND các cấp được thuận lợi, kịp thời.
Nhìn chung, kết quả hệ thống hóa văn bản QPPL của HĐND, UBND tỉnh được công bố rộng rãi trên các trang thông tin điện tử đã giúp mang lại một hệ thống văn bản quy phạm pháp luật công khai, minh bạch, dễ tra cứu, áp dụng, có tính ứng dụng cao trong thực tiễn.
Nguồn: KIM LOAN - SỞ TƯ PHÁP BÌNH THUẬN