Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo, triển khai thực hiện các quy định và quan tâm củng cố, phát triển đội ngũ cán bộ, nâng chất lượng các hoạt động tổ chức, cá nhân hành nghề bổ trợ tư pháp trên địa bàn; Quy chế phối hợp trong quản lý nhà nước về công tác giám định tư pháp trên địa bàn tỉnh, thực hiện công bố danh sách giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc, các tổ chức giám định tư pháp công lập và tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc theo quy định; ban hành Đề án quản lý, phát triển tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, phấn đấu đến năm 2025 phát triển thêm 19 tổ chức hành nghề công chứng phân bổ tại 10 huyện, thị xã, thành phố để đáp ứng nhu cầu công chứng của người dân; ban hành Quy chế quản lý, khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu công chứng, chứng thực hợp đồng, giao dịch trên địa bàn tỉnh. Sở Tư pháp phối hợp với Học viện Tư pháp mở lớp đào tạo nghề Luật sư tại tỉnh với 48 học viên; chủ trì rà soát, hoàn chỉnh và tổ chức lễ ký kết Quy chế phối hợp giữa Đoàn Luật sư với Công an tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh trong quá trình giải quyết các vụ án hình sự và hoạt động bổ trợ tư pháp.
Từ năm 2020 đến nay, toàn tỉnh phát triển thêm 05 tổ chức hành nghề luật sư, 10 tổ chức hành nghề công chứng, 04 Văn phòng Thừa phát lại... nâng tổng các tổ chức hành nghề bổ trợ tư pháp trên địa bàn tỉnh là 69 tổ chức. Trong đó, có 30 tổ chức hành nghề luật sư với 15 chi nhánh, 60 luật sư; 32 tổ chức hành nghề công chứng với 48 công chứng viên; 03 tổ chức giám định tư pháp với 112 giám định viên tư pháp, 11 người giám định vụ việc; 04 Văn phòng Thừa phát lại với 07 Thừa phát lại đang hành nghề. Năm 2021, các tổ chức hành nghề bổ trợ tư pháp, luật sư, giám định viên, công chứng viên, thừa phát lại đã thực hiện bào chữa 532 vụ việc, tham gia trợ giúp pháp lý 269 trường hợp; thực hiện 2.185 vụ việc giám định; công chứng, chứng thực 326.382 việc; tiếp nhận và đăng ký 1.189 vi bằng... Nhìn chung, số lượng, chất lượng hoạt động của các tổ chức hành nghề bổ trợ tư pháp trên địa bàn tỉnh từng bước nâng lên, đáp ứng yêu cầu các cơ quan tư pháp (điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án); công tác trợ giúp pháp lý thực hiện đúng định hướng, chủ trương Đảng, Nhà nước, góp phần tích cực bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, đảm bảo pháp chế xã hội chủ nghĩa. Công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động bổ trợ tư pháp được thực hiện thường xuyên, hiệu quả hơn. Đáng chú ý, trong năm 2021, mặc dù trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp, Sở Tư pháp đã tổ chức được 04 cuộc thanh tra chuyên ngành, 09 cuộc kiểm tra thuộc lĩnh vực công chứng, đấu giá và luật sư. Qua kiểm tra, thanh tra đã xử phạt vi phạm hành chính các tổ chức hành nghề công chứng với tổng số tiền 48 triệu đồng và đề nghị các cơ quan chức năng xử lý nghiêm minh đối với các trường hợp cá nhân hành nghề vi phạm pháp luật; đồng thời chấn chỉnh, nhắc nhở khắc phục các hạn chế, thiếu sót... nhờ đó giúp các hoạt động bổ trợ tư pháp trên địa bàn đi vào nền nếp, đúng quy định pháp luật.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đạt được, hoạt động bổ trợ tư pháp còn một số hạn chế như: công tác giám định về tài chính, tài sản trong một số vụ án, vụ việc còn chậm (nhất là liên quan đến đất đai) đã ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng điều tra, giải quyết của các cơ quan tiến hành tố tụng; một số tổ chức, cá nhân hành nghề luật sư, công chứng chưa thực hiện đúng quy định, còn để xảy ra vi phạm, có trường hợp công chứng viên vi phạm pháp luật trong quá trình thực hiện nhiệm vụ (bị đình chỉ giấy phép hành nghề và bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra vụ án)... Trong thời gian đến, cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, các ngành và các cơ quan, đơn vị cần tiếp tục quan tâm, nâng cao chất lượng các hoạt động bổ trợ tư pháp; tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các tổ chức hành nghề công chứng, luật sư, giám định tư pháp, thừa phát lại; thường xuyên tổ chức kiểm tra, thanh tra để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và xử lý nghiêm các sai phạm, vi phạm trong hoạt động bổ trợ tư pháp; chỉ đạo các cơ quan chức năng xử lý nghiêm minh các trường hợp cá nhân lợi dụng hành nghề bổ trợ tư pháp để vi phạm pháp luật, nhằm giáo dục, răn đe, phòng ngừa chung. Ủy ban nhân dân tỉnh cần quan tâm chỉ đạo đẩy mạnh công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị liên quan trong thực hiện các hoạt động bổ trợ tư pháp, nhất là phối hợp trong công tác giám định, định giá tài chính, tài sản, liên quan đến đất đai, khoáng sản; khẩn trương củng cố, kiện toàn Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự tỉnh... để đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vụ án, vụ việc, phục vụ tốt các hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án của các cơ quan tư pháp; thường xuyên rà soát, củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của đội ngũ luật sư, giám định viên tư pháp trên các lĩnh vực. Hội đồng nhân dân tỉnh cần tăng cường giám sát chuyên đề đối với hoạt động bổ trợ tư pháp, trong đó tập trung giám sát hoạt động công chứng, đấu giá tài sản, luật sư trên địa bàn tỉnh; đồng thời, chỉ đạo Hội đồng nhân dân cấp huyện thực hiện giám sát chặt chẽ hoạt động đấu giá tài sản tại địa phương, nhất là tài sản có liên quan đến đất đai, khoáng sản. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp cần phát huy cao vai trò trách nhiệm, tập trung làm tốt công tác động viên nhân dân phát hiện những hạn chế, khuyết điểm trong hoạt động bổ trợ tư pháp, qua đó kịp thời kiến nghị các cơ quan khắc phục, sửa chữa, hoặc đề nghị cơ quan thẩm quyền vào cuộc để kiểm tra, thanh tra và xử lý nghiêm các trường hợp sai phạm, vi phạm pháp luật (nếu có).
Song song đó, các cơ quan, tổ chức thực hiện hoạt động bổ trợ tư pháp cần quan tâm giáo dục chính trị tư tưởng, tổ chức đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao trình độ pháp luật, chuyên môn nghiệp vụ, tạo điều kiện thuân lợi nhằm phát huy cao tinh thần trách nhiệm cũng như đạo đức nghề nghiệp cho những người hành nghề hoặc làm công tác bổ trợ tư pháp tại tổ chức, đơn vị mình, đảm bảo đáp ứng yêu cầu, hoàn thành tốt nhiệm vụ, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ cho các cơ quan, tổ chức và cá nhân có yêu cầu; có biện pháp quản lý chặt chẽ đối với người thực hiện hoạt động bổ trợ tư pháp của tổ chức, cơ quan mình, bảo đảm tuân thủ đúng quy định của pháp luật, không để xảy ra sai phạm; thực hiện tốt các quy chế phối hợp, trao đổi thông tin... Sở Tư pháp tích cực tham mưu đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nhất là những quy định, văn bản luật mới liên quan đến hoạt động tư pháp và bổ trợ tư pháp (như Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật giám định tư pháp; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật Tố tụng hình sự...) để các tổ chức, cá nhân và người dân triển khai, tham gia, thực hiện tốt các hoạt động bổ trợ tư pháp, sẽ giúp hoạt động bổ trợ tư pháp của tỉnh nhà ngày càng phát triển, góp phần nâng cao hiệu quả công tác cải cách tư pháp trong thời gian đến./.