TIN MỚI NHẤT

Một số bất cập của quy định về cung cấp tài liệu, chứng cứ trong giải quyết vụ án dân sự

Bên cạnh các quy định về quyền và nghĩa vụ chủ động thu thập chứng cứ và chứng minh của đương sự, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 (BLTTDS 2015) quy định cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm cung cấp đầy đủ và đúng thời hạn các tài liệu, chứng cứ mà họ đang lưu giữ, quản lý để Tòa án xem xét, phục vụ xét xử. Tuy nhiên, trên thực tế nhiều vụ việc cho thấy các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan rất chậm trễ cung cấp tài liệu, chứng cứ làm cho vụ án phải tạm đình chỉ, kéo dài, gây ảnh hưởng đến việc giải quyết của Tòa án và quyền, lợi ích hợp pháp của công dân.

Tại Bình Thuận, mỗi năm có hàng trăm vụ án dân sự phải tạm đình chỉ (năm 2019 là 304 vụ; 2020 là 206 vụ), trong đó nguyên nhân chủ yếu là chờ thu thập tài liệu, chứng cứ. Điển hình là vụ việc “Xây nhà trên đất người khác” do Tòa án nhân dân huyện Hàm Thuận Bắc thụ lý giải quyết với thời gian tạm đình chỉ hơn 01 năm (từ 11/2019 đến 3/2021) vì lý do trên và nhiều vụ việc tương tự khác. Một trong những nguyên nhân của tình trạng trên là quy định của pháp luật về cung cấp tài liệu, chứng cứ phục vụ giải quyết vụ án dân sự chưa đầy đủ, bất cập, khó khăn trong việc áp dụng.

Theo quy định tại Khoản 3 Điều 106 BLTTDS 2015 thì “…Cơ quan, tổ chức, cá nhân đang quản lý, lưu giữ tài liệu, chứng cứ có trách nhiệm cung cấp đầy đủ tài liệu, chứng cứ theo yêu cầu của Tòa án trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu; hết thời hạn này mà không cung cấp đầy đủ tài liệu, chứng cứ theo yêu cầu của Tòa án thì cơ quan, tổ chức, cá nhân được yêu cầu phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do. Cơ quan, tổ chức, cá nhân không thực hiện yêu cầu của Tòa án mà không có lý do chính đáng thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật…”.

Như vậy, BLTTDS 2015 xác định cơ quan, tổ chức, cá nhân khi không thực hiện yêu cầu của Tòa án mà không có lý do chính đáng thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Khoản 1 Điều 495 BLTTDS 2015 quy định “Cơ quan, tổ chức, cá nhân không thi hành quyết định của Tòa án về việc cung cấp tài liệu, chứng cứ mà cơ quan, tổ chức, cá nhân đó đang quản lý, lưu giữ thì có thể bị Tòa án xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật.”. Mặc dù vậy, hiện nay không có quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi chậm hoặc không cung cấp tài liệu, chứng cứ trong vụ án dân sự.

Đối với chế tài hình sự thì Điều 383 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định: “…Người làm chứng nếu không thuộc trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều 19 của Bộ luật này, người giám định, người định giá tài sản, người dịch thuật từ chối khai báo, trốn tránh việc kết luận giám định, định giá tài sản hoặc từ chối cung cấp tài liệu mà không có lý do chính đáng, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.…”.

Như vậy, người làm chứng nếu không thuộc trường hợp “không tố giác tội phạm” hoặc người giám định, người định giá tài sản, người dịch thuật từ chối cung cấp tài liệu mà không có lý do chính đáng thì mới bị xử lý hình sự. Còn đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác, ví dụ như UBND các cấp, Văn phòng công chứng,…mà không phải là người làm chứng người giám định, người định giá tài sản, người dịch thuật thì không bị chế tài hình sự điều chỉnh.

Bên cạnh đó, BLTTDS 2015 quy định cơ quan, tổ chức, cá nhân không thực hiện yêu cầu cung cấp tài liệu, chứng cứ của Tòa án mà không có “lý do chính đáng” thì có thể bị xử lý hành chính hoặc hình sự. Tuy nhiên, pháp luật lại không có quy định cụ thể “lý do chính đáng” là trường hợp nào dẫn đến có thể áp dụng tùy nghi và Thẩm phán thiếu cơ sở để xử lý hành vi nêu trên. Ví dụ: việc chậm cung cấp tài liệu, chứng cứ vì bận giải quyết công việc chuyên môn, thiếu cán bộ,... có phải là lý do chính đáng hay không?

Những bất cập nói trên chính là những nguyên nhân dẫn đến Tòa án không có biện pháp xử lý hành vi chậm trễ hoặc không cung cấp tài liệu, chứng cứ để làm cơ sở giải quyết vụ việc dân sự. Cũng chính lý do này mà hàng năm ngành Tòa án phải tạm đình chỉ hàng trăm vụ án để chờ kết quả cung cấp tài liệu, chứng cứ, gây ảnh hưởng đến việc giải quyết và quyền, lợi ích hợp pháp của công dân.

Để hoàn thiện quy định của pháp luật, tác giả kiến nghị như sau:

Thứ nhất, kiến nghị Chính phủ xem xét sửa đổi, bổ sung Nghị định 82/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp; hợp tác xã, trong đó xây đựng cụ thể quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi chậm hoặc không cung cấp tài liệu, chứng cứ trong vụ án dân sự.

Thứ hai, kiến nghị Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung Điều 383 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017), theo hướng bổ sung một số chủ thể khác, như Văn phòng công chứng, Văn phòng Thừa phát lại, người có thẩm quyền tại UBND các cấp,… cũng phải chịu trách nhiệm hình sự đối với hành vi không không cung cấp tài liệu, chứng cứ.

Thứ ba, kiến nghị Chính phủ và Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao có hướng dẫn cụ thể các trường hợp được xem là “lý do chính đáng” để làm căn cứ áp dụng xử lý vi phạm hành chính và hình sự đối với hành vi chậm hoặc không cung cấp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án.

Có như vậy việc giải quyết các vụ án thuộc trường hợp này nhanh hơn, đảm bảo quyền, lợi ích của tổ chức, cá nhân liên quan, góp phần nâng cao hiệu quả xét xử của ngành Tòa án hiện nay./.


Các tin khác