TIN MỚI NHẤT

Một số kết quả nổi bật trong công tác phòng, chống tham nhũng năm 2021 trên địa bàn tỉnh Bình Thuận

Trong năm 2021, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện tốt công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) nói chung và các ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN nói riêng; qua đó, đã tạo sự chuyển biến tích cực trên nhiều mặt, góp phần giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. 

Theo đó, các cấp ủy, cơ quan, đơn vị, địa phương đã triển khai thực nghiêm túc chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy về công tác PCTN và đạt nhiều kết quả khá tích cực, góp phần kiềm chế, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn tỉnh. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về PCTN tiếp tục được các cấp, các ngành đẩy mạnh; đã tổ chức 133 lớp với 11.377 lượt cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên và người lao động tham dự. Hầu hết giải pháp phòng ngừa tham nhũng được các cấp ủy cơ quan, đơn vị, địa phương tập trung triển khai thực hiện và có kết quả; việc công khai, minh bạch trong hoạt động cơ quan được đảm bảo theo quy định; chủ động rà soát, sửa đổi, bổ sung 68 văn bản, ban hành mới 113 văn bản về chế độ, định mức, tiêu chuẩn; niêm yết, công khai tại trụ sở làm việc về quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức khi thực thi công vụ. Chất lượng công tác cải cách thủ tục hành chính được nâng lên, tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn đạt 95,8%. Việc chuyển đổi vị trí công tác được tiến hành thường xuyên, đảm bảo theo kế hoạch đề ra; qua đó đã chuyển đổi 755 công chức, viên chức, góp phần phòng ngừa tham nhũng.

Công tác thanh tra về PCTN được tập trung đẩy mạnh và phát huy hiệu quả, qua hoạt động thanh tra, phát hiện một số vụ việc vi phạm đã kịp thời chuyển cơ quan chức năng xử lý theo quy định, đồng thời, kiến nghị thu hồi nộp ngân sách nhà nước số tiền là 1,63 tỷ đồng. Công tác kiểm tra, giám sát về PCTN được các cấp ủy quan tâm thực hiện, theo đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy thành lập 02 Đoàn giám sát việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chỉ thị số 27-CT/TW ngày 10/01/2019 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ người phát hiện, tố giác, người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực đối với 06 tổ chức đảng và 06 cá nhân; chỉ đạo kiểm tra, rà soát 290 kết luận thanh tra về kinh tế - xã hội và 23 kiến nghị đang tiếp tục xử lý qua các cuộc kiểm toán đối với 12 đơn vị trên địa bàn tỉnh. Công tác tự kiểm tra nội bộ tiếp tục được quan tâm thực hiện. Toàn tỉnh có 397 cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện 481 cuộc tự kiểm tra nội bộ về công tác phòng ngừa tham nhũng. Các cơ quan chức năng đã điều tra, truy tố, xét xử xong 05 vụ án tham nhũng, kinh tế, chức vụ phức tạp được dư luận xã hội quan tâm.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác PCTN vẫn còn một số hạn chế, khó khăn nhất định. Công tác quản lý nhà nước về kinh tế, xã hội ở một số lĩnh vực (tài chính, đất đai, khoáng sản...) còn thiếu sót, sơ hở nhưng chưa được khắc phục kịp thời. Công tác quản lý đất đai ở một số địa phương chưa chặt chẽ; thực hiện việc giao đất, cho thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, bồi thường tái định cư không đúng thẩm quyền, xảy ra vi phạm quy định về đất đai, đầu tư. Công tác giám định, định giá tài sản trong một số vụ án, vụ việc còn chậm, ảnh hưởng đến tiến độ và kết quả hoạt động tố tụng.

Thời gian tới, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, cơ quan, đơn vị, địa phương khắc phục những khuyết điểm, hạn chế nêu trên; đồng thời, tập trung triển khai thực hiện một số nhiệm vụ sau đây:

Nâng cao chất lượng giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; không để vụ việc, vụ án tồn đọng, quá hạn, kéo dài; tập trung giải quyết dứt điểm các vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy theo dõi, chỉ đạo, báo chí, dư luận xã hội quan tâm.

Triển khai thực hiện nghiêm túc chương trình kiểm tra, giám sát của Đảng; kế hoạch thanh tra của Nhà nước năm 2022.

Tăng cường tự kiểm tra nội bộ để kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm.

Các cấp, các ngành siết chặt kỷ luật, kỷ cương; tăng cường quản lý nhà nước trên các lĩnh vực dễ xảy ra sai phạm; nhất là về tài chính, đất đai, khoáng sản...; làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra các vi phạm pháp luật về đất đai, xây dựng, rừng, khoáng sản, môi trường và thực hiện các quy định pháp luật trong kinh doanh bất động sản. Xử lý nghiêm minh, đúng quy định pháp luật đối với các trường hợp sai phạm.

 (Trích Báo cáo kết quả công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng năm 2021, nhiệm vụ trọng tâm năm 2022).


Các tin khác