Về đối tượng bị tố cáo về hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ
Tại Điểm b Khoản 2 Điều 2 Luật Tố cáo năm 2018 quy định bổ sung đối tượng bị tố cáo về hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ là “Người không còn là cán bộ, công chức, viên chức nhưng đã thực hiện hành vi vi phạm pháp luật trong thời gian là cán bộ, công chức, viên chức; người không còn được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ nhưng đã thực hiện hành vi vi phạm pháp luật trong thời gian được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ”.
Thực tế hiện nay việc xử lý trách nhiệm đối với đối tượng này còn thiếu cơ sở pháp lý và cũng chưa có văn bản chính thức quy định cụ thể về trình tự, thủ tục nếu phát hiện ra họ có hành vi vi phạm pháp luật trong thời gian còn là cán bộ, công chức, viên chức hoặc trong thời gian được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ. Mặc dù tại Điều 12 của Luật Tố cáo năm 2018 cũng đã được quy định về thẩm quyền giải quyết.
Bởi lẻ theo quy định hiện hành, nếu những người là cán bộ, công chức, viên chức nếu có hành vi vi phạm pháp luật thì sẽ áp dụng các văn bản như: Luật Cán bộ, công chức năm 2008; Luật Viên chức năm 2010; Nghị định số 34/2011/NĐ-CP ngày 17/05/2011 của Chính phủ quy định về xử lý kỷ luật đối với công chức; Nghị định số 27/2012/NĐ-CP ngày 06/4/2012 của Chính phủ quy định về xử lý kỷ luật viên chức và trách nhiệm bồi dưỡng, hoàn trả của viên chức. Riêng với những đối tượng trên thì hiện nay chưa có văn bản pháp lý cụ thể nào để áp dụng cho phù hợp và đảm bảo tính khả thi, thống nhất.
Về trách nhiệm phối hợp của các cơ quan, tổ chức trong việc giải quyết tố cáo
Theo Điều 6 Luật Tố cáo năm 2011 quy định: “Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan, tổ chức hữu quan có trách nhiệm phối hợp với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc giải quyết tố cáo. Cơ quan, tổ chức, cá nhân đang quản lý, lưu giữ thông tin, tài liệu có liên quan đến việc tố cáo có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin, tài liệu theo yêu cầu của người có thẩm quyền giải quyết tố cáo trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu; trường hợp không cung cấp, cung cấp không đầy đủ, kịp thời thông tin, tài liệu theo yêu cầu thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý theo quy định của pháp luật”.
Nay Điều 6 Luật Tố cáo năm 2018 quy định: “Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan có trách nhiệm phối hợp với người giải quyết tố cáo; cung cấp thông tin, tài liệu có liên quan đến nội dung tố cáo theo quy định của pháp luật; áp dụng các biện pháp bảo vệ người tố cáo theo thẩm quyền; xử lý người có hành vi vi phạm pháp luật theo kết luận nội dung tố cáo; xử lý cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về tố cáo”.
Như vậy, Luật Tố cáo năm 2018 không quy định thời hạn để cung cấp thông tin, mà chỉ quy định chung, điều này khả năng sẽ dẫn đến không có sự ràng buộc trách nhiệm phải thực hiện trong thời hạn cụ thể đối với các cơ quan có trách nhiệm cung cấp thông tin, tài liệu cho người có thẩm quyền giải quyết tố cáo, trong khi việc giải quyết tố cáo là phải theo thời hạn luật định. Do đó, nếu các cơ quan này không tích cực phối hợp hoặc chậm trễ trong việc cung cấp thông tin, tài liệu, sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến thời hạn giải quyết.
Về quyền và nghĩa vụ của người tố cáo
Khoản 2 Điều 9 Luật Tố cáo năm 2018 bổ sung quy định người tố cáo có trách nhiệm “Hợp tác với người giải quyết tố cáo khi có yêu cầu”. Quy định mới chưa thể hiện tính ràng buộc cao đối với nghĩa vụ của người tố cáo. Trường hợp, người tố cáo không có thiện chí hợp tác cũng sẽ gây ảnh hưởng đến quá trình giải quyết tố cáo của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền giải quyết.
Về thời hạn giải quyết tố cáo
Trước đây, Luật Tố cáo năm 2011 quy định tại Điều 21: “Thời hạn giải quyết tố cáo là 60 ngày kể từ ngày thụ giải quyết tố cáo”.
Nay, tại Điều 30 Luật Tố cáo năm 2018 quy định: “Thời hạn giải quyết tố cáo là không quá 30 ngày kể từ ngày thụ lý tố cáo”.
Như vậy, thời hạn giải quyết tố cáo theo luật hiện hành giảm 30 ngày, điều này sẽ rất khó khăn cho quá trình xác minh, tham mưu giải quyết tố cáo. Vì thực tế đối với tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp, sau khi ban hành văn bản thụ lý và quyết định giao xác minh nội dung tố cáo, văn bản và hồ sơ được chuyển cho cơ quan, bộ phận chuyên môn giúp việc được giao nhiệm vụ xác minh là mất từ 02 đến 03 ngày theo quy trình xử lý văn thư; đồng thời, khi giao nhiệm vụ xác minh thì người có thẩm quyền giải quyết cũng phải tính toán đến thời gian để thẩm định báo cáo kết quả xác minh tố cáo từ 05 đến 07 ngày.
Do đó, quy định thời hạn giải quyết tố cáo là không quá 30 ngày, nhưng thực tế thời gian để cơ quan được giao nhiệm vụ xác minh thực hiện xác minh chỉ khoảng 20 ngày, kể cả ngày nghỉ và những trường hợp sẽ gặp những khó khăn do các cơ quan có liên quan không tích cực trong công tác phối hợp cung cấp thông tin, tài liệu, người bị tố cáo không kịp thời thực hiện nghĩa vụ báo cáo giải trình.
Về tạm đình chỉ, đình chỉ việc giải quyết tố cáo
Luật Tố cáo năm 2011 không quy định về những nội dung này. Tuy nhiên, nội dung này được quy định tại Điều 34 Luật Tố cáo năm 2018 như sau:
“1. Người giải quyết tố cáo ra quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết tố cáo khi có một trong các căn cứ sau đây:
a) Cần đợi kết quả giải quyết của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác hoặc đợi kết quả giải quyết vụ việc khác có liên quan;
b) Cần đợi kết quả giám định bổ sung, giám định lại.
2. Khi căn cứ tạm đình chỉ việc giải quyết tố cáo không còn thì người giải quyết tố cáo ra ngay quyết định tiếp tục giải quyết tố cáo; thời gian tạm đình chỉ việc giải quyết tố cáo không tính vào thời hạn giải quyết tố cáo.
3. Người giải quyết tố cáo ra quyết định đình chỉ việc giải quyết tố cáo khi có một trong các căn cứ sau đây:
a) Người tố cáo rút toàn bộ nội dung tố cáo, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 33 của Luật này;
b) Người bị tố cáo là cá nhân chết và nội dung tố cáo chỉ liên quan đến trách nhiệm của người bị tố cáo;
c) Vụ việc đã được giải quyết bằng bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật hoặc quyết định đã có hiệu lực của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền”.
Như vậy, Luật Tố cáo hiện hành quy định chưa cụ thể về tạm đình chỉ, đình chỉ việc giải quyết tố cáo khi người tố cáo mất năng lực hành vi dân sự hoặc khi người tố cáo đã chết.
Do đó, để khắc phục những khó khăn, vướng mắc như trên, thiết nghĩ cần nghiên cứu ban hành quy định, hướng dẫn và sửa đổi, bổ sung một số nội dung cơ bản sau:
Thứ nhất, ban hành quy định, hướng dẫn: (1) Về hình thức xử lý trách nhiệm, trình tự, thủ tục đối với người không còn là cán bộ, công chức, viên chức nhưng đã thực hiện hành vi vi phạm pháp luật trong thời gian là cán bộ, công chức, viên chức; người không còn được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ nhưng đã thực hiện hành vi vi phạm pháp luật trong thời gian được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ nếu phát hiện ra họ có hành vi vi phạm pháp luật trong thời gian còn là cán bộ, công chức, viên chức hoặc trong thời gian được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ nhằm đảm bảo tính thống nhất và khả thi. (2) Thời gian phối hợp của các cơ quan, tổ chức có trách trong việc giải quyết tố cáo; theo đó, thời gian để cung cấp thông tin, tài liệu có liên quan đến nội dung tố cáo là 05 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu.
Thứ hai, đề nghị sửa đổi, bổ sung: (1) Đối với nghĩa vụ của người tố cáo, cần quy định theo hướng bổ sung “Chịu trách nhiệm về trường hợp không hợp tác của mình” vào Điểm d Khoản 2 Điều 9 Luật Tố cáo năm 2018. (2) Xem xét Điều 30 về thời hạn giải quyết tố cáo theo hướng tăng thời hạn giải quyết, cụ thể là “Thời hạn giải quyết tố cáo là không quá 45 ngày kể từ ngày thụ lý tố cáo”. (3) Về tạm đình chỉ, đình chỉ việc giải quyết tố cáo, nên bổ sung căn cứ để người giải quyết tố cáo ra quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết tố cáo vào Khoản 1 Điều 34 Luật Tố cáo 2018, khi “Người tố cáo mất năng lực hành vi dân sự”; căn cứ để người giải quyết tố cáo ra quyết định đình chỉ việc giải quyết tố cáo vào Khoản 3 Điều 34 Luật Tố cáo 2018, khi “Người tố cáo đã chết”.
Từ những phân tích trên cho thấy, tuy Luật Tố cáo năm 2018 đã sửa đổi, bổ sung nhiều quy định quan trọng, khắc phục khá toàn diện những điểm còn hạn chế của Luật Tố cáo năm 2011, đáp ứng tốt hơn về yêu cầu của công tác giải quyết tố cáo. Tuy nhiên, một số quy định của Luật Tố cáo năm 2018 vẫn còn bất cập, vướng mắc cần tiếp tục nghiên cứu; theo đó, các cơ quan có thẩm quyền sớm xem xét ban hành văn bản quy định, giải thích, hướng dẫn và sửa đổi, bổ sung những nội dung còn bất cập, hạn chế nhằm góp phần giải quyết các vấn đề vướng mắc trong thực tiễn áp dụng hiện nay./.