TIN MỚI NHẤT

BAN CHỈ ĐẠO CẢI CÁCH TƯ PHÁP TỈNH LÀM VIỆC VỚI THÀNH PHỐ PHAN THIẾT

Đoàn công tác số 1 của Ban Chỉ đạo cải cách Tư pháp tỉnh có buổi làm việc với Ban Chỉ đạo cải cách Tư pháp thành phố Phan Thiết về việc kiểm tra tình hình cải cách tư pháp năm 2014 và triển khai thực hiện Kết luận số 92-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục Chiến lược cải cách Tư pháp đến năm 2020.

Kết quả kiểm tra cho thấy, trong thời gian qua công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật nói chung và các văn bản quy định về công tác cải cách tư pháp nói riêng được lãnh đạo cấp ủy và chính quyền địa phương thường xuyên quan tâm thực hiện. Đội ngũ cán bộ trong các cơ quan tư pháp hàng năm được rà soát, kiện toàn, củng cố tổ chức bộ máy, đảm bảo về số lượng, chất lượng ngày càng được nâng lên; công tác đào tạo bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, bổ nhiệm cán bộ, nhất là cán bộ có chức danh tư pháp được thực hiện thường xuyên. Công tác kiểm tra, giám sát và sự lãnh đạo của cấp ủy đối với các cơ quan tư pháp và hoạt động tư pháp đã được đã được quan tâm, chú trọng, nhất là sự lãnh đạo của cấp ủy đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật trong điều tra, xử lý các vụ án và công tác bảo vệ Đảng theo tinh thần Chỉ thị 15-CT/TW ngày 07/7/2007 của Bộ chính trị; chỉ đạo xử lý kịp thời đối với những vụ án phức tạp, dư luận xã hội quan tâm. Chất lượng, tỷ lệ giải quyết công việc chuyên môn nghiệp vụ của các cơ quan tư pháp có cố gắng, một số chỉ tiêu chủ yếu đạt khá so với yêu cầu tại Nghị quyết 37 của Quốc Hội cũng như kế hoạch của từng ngành, cụ thể: tỷ lệ giải quyết án của Cơ quan điều tra đạt 84%, tỷ lệ giải quyết án hình sự của Viện kiểm sát đạt 93%, tỷ lệ giải quyết các loại án của Tòa án đạt 86,07%... trong quá trình giải quyết án đã hạn chế việc oan, sai, không có án Viện kiểm sát truy tố Tòa án tuyên không phạm tội; kết quả giải quyết đơn đạt 21/26 đơn, đạt 80,76%. Viện kiểm sát phối hợp với Tòa án tổ chức được 11 phiên tòa rút kinh nghiệm theo yêu cầu cải cách tư pháp, 49 phiên tòa xét xử lưu động phục vụ nhiệm vụ chính trị tại địa phương. Công tác bổ trợ và hỗ trợ tư pháp cũng được quan tâm thực hiện tương đối đồng bộ và đạt kết quả khá tốt.

Tuy nhiên, so với yêu cầu nhiệm vụ đề ra, công tác cải cách tư pháp của thành phố Phan Thiết vẫn có mặt còn hạn chế, như: tỷ lệ giải quyết án so với yêu cầu tại Nghị quyết 37 của Quốc Hội và kế hoạch của ngành một số khâu còn thấp, cụ thể: tỷ lệ giải quyết tin báo mới đạt 86%, trong khi chỉ tiêu giao phải đạt trên 90%; số tin báo tồn 61 tin, trong đó quá hạn 41 tin = 67,21% (chỉ tiêu quá hạn không quá 20%); tỷ lệ giải quyết án của Viện kiểm sát đạt 93%, trong khi chỉ tiêu kế hoạch năm của ngành Kiểm sát giao phải đạt trên 98%. Tỷ lệ thi hành án dân sự cả về số việc và số tiền đạt thấp, mới đạt 69, 09% số việc và 55,92% số tiền, trong chỉ tiêu Quốc Hội đề ra phải đạt trên 88% số việc và 77% số tiền trên tổng số án có điều kiện thi hành. Mặc dù Tòa án thành phố có nhiều cố gắng, nhưng lượng án tồn vẫn còn nhiều, án hình sự còn tồn 43 vụ, án dân sự còn tồn 117 vụ, án quá hạn luật định, án bị hủy do lỗi chủ quan của Thẩm phán vẫn còn xảy ra. Án trả hồ sơ giữa các cơ quan tiến hành tố tụng vẫn còn, trong thời gian qua Tòa trả hồ sơ cho Viện kiểm sát 11 vụ, trong đó trả đúng được chấp nhận 05 vụ; Viện kiểm sát trả cho Cơ quan điều tra 01 vụ được chấp nhận.

Kết luận buổi làm việc, đồng chí Võ Duy Quang, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo cải cách Tư pháp tỉnh, Trưởng đoàn kiểm tra đã đánh giá cao những kết quả đạt được, cũng như chỉ rõ những mặt còn hạn chế của thành phố Phan Thiết đối với công tác tư pháp thời gian qua. Đồng tời nhấn mạnh một số nhiệm vụ cần tập trung trong thời gian tới như sau: tiếp tục triển khai thực hiện Kế hoạch số 98-KH/TU, ngày 11/12/2013 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về nhiệm vụ trọng tâm cải cách tư pháp năm 2014, ý kiến của Thường trực Tỉnh ủy tại Hội nghị quán triệt Kết luận số 92-KL/TW của Bộ chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX) về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Tăng cường vai trò lãnh đạo của cấp ủy đảng đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật trong công tác điều tra, xét xử theo tinh thần Chỉ thị 15-CT/TW ngày 07/7/2007 của Bộ Chính trị; đẩy mạnh công tác kiểm tra và tự kiểm tra của các cơ quan tư pháp, khắc phục có hiệu quả những hạn chế, khuyết điểm trong 6 tháng đầu năm. Nâng cao chất lượng, nội dung hoạt động của các cơ quan tư pháp trong công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án và tuyên truyền giáo dục phổ biến pháp luật. Chú trọng nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa theo yêu cầu cải cách tư pháp. Cấp uỷ, chính quyền và lãnh đạo các cơ quan tư pháp tăng cường hơn nữa công tác quản lý giáo dục cán bộ cơ quan mình, chống những biểu hiện tiêu cực, để xây dựng các cơ quan tư pháp gắn với xây dựng Đảng ngày càng trong sạch vững mạnh. Tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nhất là Hiến pháp năm 2013, Luật đất đai, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ và nhân dân; thực hiện có hiệu quả công tác trợ giúp pháp lý, nhất là người nghèo, đối tượng chính sách. HĐND, Mặt trận và đoàn thể các cấp cần phát huy tốt vai trò giám sát đối với hoạt động của các cơ quan tư pháp, nhất là giám sát về khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, bắt giam giữ và công tác thi hành án, góp phần đấu tranh phòng, chống tiêu cực tham nhũng trong cán bộ, đảng viên trực tiếp làm công tác tư pháp.


Các tin khác