TIN MỚI NHẤT

Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong đội ngũ cán bộ, công chức và người lao động

Để pháp luật được đi vào cuộc sống thì phải bắt đầu bằng công tác tuyên truyền, phổ biến và giáo dục, đây là khâu đầu tiên của hoạt động thực thi pháp luật; là cầu nối để truyền tải pháp luật vào cuộc sống. Thực tế cho thấy, pháp luật dù bằng hình thức nào như tuân thủ pháp luật, thi hành pháp luật, sử dụng pháp luật hay áp dụng pháp luật thì trước hết đều phải hiểu biết về pháp luật. Bên cạnh đó việc giáo dục pháp luật còn giúp hình thành ý thức pháp luật trong mỗi người, tạo lòng tin vào pháp luật, có thói quen và ý thức tôn trọng pháp luật, từ đó phát huy vai trò, hiệu lực của pháp luật vào cuộc sống xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của mọi công dân.

Đối với các cơ quan, đơn vị, chính quyền địa phương thì công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật còn là một nội dung quan trọng của công tác giáo dục chính trị tư tưởng; là biện pháp cơ bản nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật Nhà nước cho cán bộ, công chức và người lao động. Đặc biệt, trước yêu cầu của sự nghiệp xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thì việc tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật là một đòi hỏi khách quan, cần được lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ.

Nhận thức rõ điều đó và xác định được vị trí, vai trò quan trọng của công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, thời gian qua, Ban Nội Chính Tỉnh ủy đã không ngừng đẩy mạnh hoạt động công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật tùy theo tình hình và chức năng, nhiệm vụ của cơ quan; tham gia góp ý kiến vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp, Luật Đất đai, Bộ luật Hình sự…; phối hợp với Sở Tư pháp và các cơ quan chức năng đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng. Đặc biệt, thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TU ngày 06/4/2016 của Tỉnh ủy về việc lãnh đạo triển khai thi hành các đạo luật liên quan đến lĩnh vực tư pháp; lãnh đạo cơ quan đã phối hợp với Chi ủy và các đoàn thể tổ chức tuyên truyền đến toàn thể cán bộ, công chức và người lao động 07 bộ luật và các văn bản triển khai thi hành các bộ luật, luật liên quan đến lĩnh vực tư pháp như: Bộ luật Hình sự, Bộ luật tố tụng Hình sự, Bộ luật Dân sự, Bộ luật tố tụng Dân sự, Bộ luật tố tụng Hành chính, Luật thi hành tạm giữ, tạm giam và Luật tổ chức Cơ quan Điều tra hình sự; phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy theo dõi, chỉ đạo công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, nhằm giúp cán bộ, công chức và người lao động có điều kiện hoàn thành tốt các nhiệm vụ theo chức năng, bằng hình thức phù hợp của cơ quan, Ban Nội chính cũng đã tổ chức tuyên truyền phổ biến các luật như: Hiến pháp năm 2013, Luật tổ chức Quốc hội, Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Trưng cầu dân ý, Luật Công an nhân dân, Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, Luật tổ chức Tòa án nhân dân,…

Tuy nhiên, so với yêu cầu đề ra, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật nhìn chung có mặt còn hạn chế; nội dung, hình thức chưa hấp dẫn, phong phú. Vì vậy, trong thời gian tới, để tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 9/12/2003 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa IX) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân và Chỉ thị số 11-CT/TU ngày 06/4/2016 của Tỉnh ủy (khóa XIII) về việc lãnh đạo triển khai thi hành các đạo luật liên quan đến lĩnh vực tư pháp; góp phần tạo cơ sở pháp lý cho công cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân,… thiết nghĩ sẽ tập trung vào những nội dung giải pháp sau:

Một là, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các đạo luật đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và các tầng lớp nhân dân, nhất là các quy định mới, các quy phạm pháp luật được sửa đổi bổ sung. Nâng cao ý thức, điều chỉnh hành vi chấp hành pháp luật của cán bộ, công chức; xây dựng môi trường làm việc chính quy, khoa học, kỷ cương, nghiêm túc đúng quy định nhằm mang lại hiệu quả thiết thực.

Hai là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đối với công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nhất là đối với các cơ quan tư pháp; trong đó tập trung chuyên sâu cho đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác điều tra, truy tố, xét xử, bào chữa, giám định tư pháp, trợ giúp viên pháp lý,… từ đó kiện toàn củng cố tổ chức bộ máy các cơ quan tư pháp, nhất là cơ quan cảnh sát điều tra và tòa án ở cấp huyện.

Ba là, phải tích cực đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho phù hợp với tình hình mới. Việc đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật phải xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ, đặc điểm, tình hình, nhận thức, lứa tuổi của các đối tượng. Để làm cơ sở cho việc đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, cần phải coi trọng việc sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm, xác định mặt làm được, chưa làm được; tìm cách làm hay, nhân tố mới để xây dựng và nhân rộng; phát huy hiệu quả các mô hình, cách làm đã được khẳng định trong thực tiễn để xác định nội dung, biện pháp tiến hành phù hợp. Đồng thời phải gắn công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật với đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; với cải cách hành chính,…

Bốn là, phát huy sức mạnh tổng hợp trong tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Cùng với phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị; cần làm tốt công tác phối hợp giữa địa phương/nhà trường với gia đình trong việc giáo dục pháp luật; các cơ quan báo chí đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, duy trì chuyên trang, chuyên mục, tăng dung lượng, thời lượng để tuyên truyền, phổ biến pháp luật; tăng cường thông tin về hoạt động xây dựng và thực hiện pháp luật, các điển hình tiên tiến, gương “người tốt, việc tốt” trong chấp hành pháp luật. Bên cạnh việc tuyên truyền, giáo dục, cần quan tâm đến nâng cao năng lực thực thi pháp luật, duy trì nghiêm nền nếp, kỷ cương; giải quyết hài hòa các mối quan hệ; chăm lo tốt đời sống vật chất, tinh thần, tạo điều kiện để mọi người sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật.

Thực hiện tốt các giải pháp trên sẽ là điều kiện quan trọng để công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và các tầng lớp nhân dân đạt hiệu quả thiết thực, từ đó góp phần xây dựng nền hành chính dân chủ, trong sạch, vững mạnh, tiến tới xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.


Các tin khác