TIN MỚI NHẤT

Tỉnh Bình Thuận Sơ kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW, ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đến năm 2010, định hướng đến năm 2020

Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW của Bộ Chính trị, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo Đảng đoàn HĐND tỉnh, Đảng đoàn Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Ban Cán sự Đảng Ủy ban nhân dân tỉnh và các tổ chức Đảng có liên quan phổ biến, quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết 48-NQ/TW của Bộ Chính trị, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, tạo được sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của các cấp, các ngành và nhân dân về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của dân, do dân và vì dân, tạo sự chuyển biến tích cực và đồng bộ của cả hệ thống chính trị trong công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và thi hành pháp luật tại địa phương.

Các cấp ủy Đảng quan tâm hơn đến việc chỉ đạo công tác ban hành văn bản và tổ chức thi hành pháp luật. Chất lượng cán bộ, công chức, viên chức làm công tác pháp luật từng bước được nâng lên và hoạt động mang lại nhiều hiệu quả tích cực. Công tác xây dựng văn bản đảm bảo đúng quy trình, quy định; chất lượng văn bản ngày càng được nâng lên, hạn chế sai sót và vi phạm thủ tục ban hành văn bản. Tổ chức bộ máy, cán bộ làm công tác pháp luật được củng cố kiện toàn đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ đã đề ra.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết 48-NQ/TW ngày 24/5/2005, của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đến năm 2010, định hướng đến năm 20120 gắn với thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02-6-2005, của Bộ Chính trị “Về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020”. Nội dung chủ yếu bám sát vào 6 định hướng xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và các nhóm giải pháp về xây dựng và thi hành pháp luật phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của tỉnh. Thông qua hoạt động của Ban chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh, định kỳ (6 tháng, một năm) thường xuyên kiểm điểm, đánh giá tình hình và kết quả thực hiện công tác cải cách tư pháp. HĐND tỉnh xây dựng Kế hoạch ban hành văn bản QPPL, kế hoạch thực hiện công tác giám sát về ban hành văn bản QPPL và thi hành pháp luật tại địa phương. Năm 2010, UBND tỉnh sơ kết 05 năm thực hiện Kế hoạch 900/UBTVQH11, ngày 21/3/2007 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và đã đánh giá tình hình, kết quả, thiếu sót tồn tại hạn chế trong việc ban hành văn bản QPPL và thi hành pháp luật; đồng thời, xác định nhu cầu và định hướng xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật giai đoạn 2011-2020. Trong 10 năm qua, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp đã ban hành 10.109  văn bản quy phạm pháp luật; các văn bản QPPL của tỉnh và cấp huyện ban hành đã kịp thời thể chế hóa đường lối, chính sách, định hướng quan trọng thể hiện trong các Nghị quyết của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ... góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đáp ứng yêu cầu hoàn thiện pháp luật, cải cách hành chính và hội nhập kinh tế quốc tế.

Công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật cũng được HĐND và UBND các cấp chú trọng chỉ đạo thực hiện. Qua kiểm tra 162.428 văn bản, đã phát hiện 1.437 văn bản có nội dung chưa phù hợp; sai sót, chủ yếu là: căn cứ pháp lý làm cơ sở ban hành văn bản chưa phù hợp; hình thức, thể thức; thời hạn có hiệu lực của văn bản chưa phù hợp với Luật.  

Tuy nhiên vẫn còn một số tồn tại hạn chế đó là: 

Chất lượng ban hành văn bản quy phạm pháp luật ở một số địa phương còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế. Công tác phối hợp giữa một số sở, ngành, địa phương trong soạn thảo, kiểm tra, xử lý và rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật chưa chặt chẽ nên việc triển khai thực hiện chưa đồng bộ, hiệu quả chưa cao. Công tác kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật ở một số địa phương, nhất là ở cấp xã chưa được quan tâm đúng mức. Nhiều văn bản có nội dung và hình thức không còn phù hợp nhưng vẫn tồn tại, chưa được sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ. Việc áp dụng pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật ở một số nơi còn lúng túng, vướng mắc. Thủ tục, thẩm quyền áp dụng điều luật xử lý vi phạm pháp luật vẫn còn nhiều sai sót, tồn tại, hạn chế. Công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, có quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhưng chủ yếu là nâng cao trình độ kiến thức về khoa học pháp lý, nhưng chưa chú trọng việc nâng cao trình độ chính trị và kỹ năng nghề nghiệp của cán bộ gắn liền với chức danh công chức cụ thể. Do đó, trình độ năng lực đội ngũ chuyên môn của cán bộ công chức, viên chức chưa đồng đều (nhất là đội ngũ cán bộ điều tra, thi hành án dân sự…); kỹ năng phổ biến pháp luật và kiểm tra, rà soát văn bản pháp luật còn nhiều hạn chế. Cán bộ làm công tác tư pháp và thi hành pháp luật được bổ sung qua từng năm, nhưng vẫn còn thiếu (chức danh tư pháp, luật sư, kiểm sát viên, chấp hành viên thi hành án dân sự).

Từ thực tiễn trên rút ra những bài học kinh nghiệm, đó là:

- Để xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật ở Trung ương và địa phương thì trước hết văn bản pháp luật quy định về công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và thi hành pháp luật cũng như các cơ chế chính sách có liên quan về bộ máy, nhân sự, biên chế, quy hoạch, đào tạo, cơ sở vật chất và kinh phí hoạt động của các cơ quan nhà nước làm công tác pháp luật phải đồng bộ, tránh chồng chéo.

- Công tác thực thi pháp luật phải tạo được niềm tin trong nhân dân, các cơ quan nhà nước cần nghiên cứu kỹ các quy định của pháp luật để giải quyết thấu tình, đạt lý. Đồng thời, có biện pháp xử lý nghiêm minh đối với các đối tượng cố tình không chấp hành pháp luật, góp phần tăng cường pháp chế, nâng cao tính khả thi của văn bản pháp luật.

- Thường xuyên tiến hành các hoạt động kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thi hành pháp luật, nhất là tập trung vào những lĩnh vực có nhiều bức xúc, được dư luận quan tâm nhằm phát hiện, khắc phục kịp thời những bất cập, hạn chế của các văn bản pháp luật và nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật.


Các tin khác